Hạng mục Giải thưởng Lớn của giải thưởng Bùi Xuân Phái Vì Tình yêu Hà Nội năm nay đã
được trao cho nghê sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, người theo Hội đồng giám khảo là đã
"gom" được những vẻ đẹp bình dị của Hà Nội trong những bức ảnh nghệ
thuật vô giá về nhịp sống Thủ đô.
Trên sân khấu lễ trao, dù run run vì xúc động, ở tuổi
98, nghệ sỹ nhiếp ảnh lão thành vẫn khẳng định: Nếu có sức khỏe, vẫn muốn đi và tiếp tục sáng tác. Ông cũng
không quên cảm ơn Ban tổ chức đã dành vinh dự này cho bản thân và nhấn mạnh, Hà
Nội với ông luôn là nguồn cảm hứng bất tận.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Vượng nhận Giải thưởng Lớn của giải thưởng Bùi Xuân Phái Vì Tình yêu Hà Nội
Ở tuổi 98, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Vượng khi được
hỏi về những ngày đầu cầm máy, ông vẫn sôi nổi, hứng thú: "Lần đầu tôi cầm
máy năm 1936, năm mới 18 tuổi. Lúc đó, chiếc máy ảnh quý giá trị giá bằng cả mảnh
đất ở Hà Nội. Tôi mua để chụp trong chuyến đi chơi xuyên Đông Dương". Sau chuyến
đi dài, về đến Hà Nội, Lê Vượng vội vàng đi tráng phim. 3 cuộn phim đầu tiên
trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia không được như ý. Nhưng, đó lại gần như là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời ông.
Ông bắt đầu say mê với nghệ thuật "vẽ" bằng ánh sáng và đã gắn bó với
nghệ thuật nhiếp ảnh cả đời.
Những năm 30 của thế kỷ 20, với chiếc máy ảnh, Lê Vượng
lang thang khắp Hà Nội để ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc của Thủ
đô. Từ 1945 đến 1954, ông đi Kháng chiến, sống ở Thanh Hóa, có điều kiện là lại
lao vào ghi chép các tư liệu kháng chiến bằng ảnh.
Bức ảnh chụp Hồ Gươm của nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Vượng
Tới năm 1962, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thành lập,
Lê Vượng là một trong những cán bộ đầu tiên của Bảo tàng. Nhiệm vụ của ông là
đi chụp ảnh, ghi lại các tư liệu cần lưu giữ về mỹ thuật, kiến trúc cổ của Hà Nội
và của cả Việt Nam. Trong suốt những năm công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt
Nam, Lê Vượng đã lao động miệt mài và tạo ra khối lượng tác phẩm đồ sộ, lưu được
hàng vạn cuộn phim tư liệu. Những tư liệu này được lưu giữ vĩnh viễn tại Bảo
tàng, là như những di sản ký ức vô giá.
NSNA Lê Vượng đã được Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật
quốc tế (FIAP) trao tước hiệu A- FIAP. Bên cạnh đó, ông cũng được tôn vinh ở
nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải thưởng Bifota (Đức) trao cho
tác phẩm Đôi bàn tay khéo (1967); giải
nhì triển lãm ảnh tại Liên Xô (1972) với tác phẩm Nghệ nhân Song Hỷ thêu tranh (1972); Giải ACCU (Nhật) năm 1984 trao
cho tác phẩm Hội Đền Hùng ; huy
chương bạc FIAP 1996 với tác phẩm Lòng đất...
Ảnh của nghệ sĩ Lê Vượng có mặt tại nhiều triển lãm ở
nước ngoài như tại Rumani các năm 1967, 1971, 1973, 1975, 1977; tại Pháp năm
1971, 1972; tại Ba Lan năm 1975; tại Malaysia năm 1979; tại Liên Xô (cũ) năm
1980; tại Nhật Bản năm 1984; tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1993; tại Mỹ năm 1994; tại Hồng
Kông (Trung Quốc), Pakistan, Canada năm 1997, tại Pháp năm 1998...
Trong căn gác nhỏ của mình, cho đến tận hôm nay, ông
trang trọng treo bức tranh của "người thầy đầu tiên" - danh họa Lê Phổ.
Dưới đó, lần lượt là ba bức tranh vẽ bà Vượng (vợ của NSNA Lê Vượng) - tác phẩm
của Nguyễn Sáng, rồi tranh của Nguyễn
Tư Nghiêm; bức chân dung vẽ Lê Vượng của Bùi Xuân Phái...
Lê Vượng cũng gặp và kết bạn với nhiều nghệ sĩ lớn của
Hà Nội cùng thời như nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân. Các cuộc gặp và trò
chuyện này không chỉ là công việc. Đó cũng là những sự sẻ chia tâm đắc về nghệ
thuật, về cuộc sống, về những điều đau đáu với Hà Nội của các nghệ sĩ bậc thầy.