Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Hưng Hà, Thái Bình. Năm 13 tuổi, Bích Lan mắc căn bệnh loạn dưỡng cơ quái ác. Cô đã tự học tiếng Anh và trở thành dịch giả, tác giả của 27 cuốn sách, trong đó có 2 cuốn tự truyện Cuộc sống không giới hạn và Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng của Nick Vujicic đã tạo được tiếng vang lớn. Bích Lan là một trong những hội viên trẻ nhất của Hội nhà văn Việt Nam.
PV: Được biết khác với nhiều dịch giả khác thường dịch theo đơn đặt hàng nhưng Bích Lan thường tự lựa chọn cuốn sách mình thích và trao đổi với nhà xuất bản. Bích Lan tìm một cuốn sách hay như thế nào?
DG Bích Lan: Tôi đọc các tờ báo tiếng Anh hàng ngày như: NewDaily, Telegrahp, Newyork Times… như chúng ta vẫn đọc Tuổi trẻ hay Tiền phong, từ đó nắm thông tin về các cuốn sách. Khi có cuốn nào thích tôi sẽ tìm hiểu thêm thông tin về nó trên mạng, tìm tên tác giả, hoàn cảnh sáng tác, bản quyền ở Việt Nam đã có hay chưa để chọn dịch.
PV: “Phật ở tầng áp mái” là cuốn sách văn học nước ngoài gần đây nhất mà Bích Lan “đỡ đầu” để đến tay độc giả Việt Nam. Điều gì đã thu hút và khiến Bích Lan lựa chọn tác phẩm này?
DG Bích Lan: Cuốn sách này tôi chọn được rất tình cờ. Khi tìm một cuốn sách khác được giải, tôi thấy nó đứng ngay sau về số lượng bạn đọc. Khi đó đây là một trong những cuốn sách văn học chuẩn bị được trao giải thưởng quốc gia của Mỹ. Tôi không chọn vì nó sắp được giải thưởng, mà là vì khi đọc trích đoạn và tóm tắt, tôi thấy nó liên quan và có ích cho người Việt Nam. Nếu bạn đọc theo dõi các bản dịch của tôi sẽ biết tôi luôn chọn dịch những tác phẩm có gì đó để nói với người Việt Nam. Nó nhắc nhở chúng ta, khích lệ chúng ta trong cuộc sống, giống như các cuốn sách của Nick Vujicic mà tôi từng dịch.
PV: Bích Lan từng nói cuốn sách "Phật ở tầng áp mái" kể về những người phụ nữ Nhật nhưng cũng có phần giống với câu chuyện đang diễn ra ở Việt Nam khi nhiều cô gái miền Tây muốn lấy chồng ngoại. Họ mong muốn thay đổi cuộc sống cực nhọc khó khăn của mình và người thân dù phải rời xa quê hương. Tạm không nói đến sự thật phũ phàng phía sau, cùng là phụ nữ và từng trải qua sự nghiệt ngã của số phận, Bích Lan có đồng cảm với họ không?
DG Bích Lan: Chính vì tôi đồng cảm với họ nên tôi chọn dịch cuốn sách này. Tôi muốn người đọc thấu hiểu, cảm thông hơn với những người ra đi tìm hạnh phúc và tương lai ở xứ người bởi vì tương lai ấy nhiều khi thật bấp bênh và đầy rủi ro. Tôi cũng mong rằng những bạn gái của chúng ta trước khi lấy chồng Hàn Quốc, Trung Quốc thông qua mối lái thì lường trước được những thử thách đang chờ đợi mình để quyết định đúng đắn và có sự chuẩn bị kỹ càng hơn khi sống ở xứ người.
Ở đây tác giả đưa ra sự cảnh tỉnh về sự lựa chọn của số đông. Phụ nữ ai chẳng khát khao hạnh phúc, họ tìm đến chỗ dựa về kinh tế. Nhưng không có người đàn ông giàu có, trẻ tuổi đẹp trai nào tự nhiên cưới bạn về để đưa tiền cho bạn. Sau tận cùng tác giả muốn nói rằng: phụ nữ ơi hãy tự làm lấy.
PV: Khi rơi vào khó khăn nghịch cảnh, mỗi bước đi là mỗi khó khăn mà người bình thường không tưởng tượng được, có khi nào Bích Lan nản lòng và mong muốn có phép màu từ bên ngoài?
DG Bích Lan: Hồi mới bị bệnh (khi ấy tôi 13 tuổi) tôi cũng mong chờ vào một phép màu từ bên ngoài, từ trên cao sẽ đến giúp tôi trở lại khỏe mạnh bình thường. Trông chờ một thời gian tôi không thấy phép màu nào xảy ra cả, vậy nên từ đó tôi hiểu rằng chính mình phải tự cứu mình chứ không thể ngồi mà trông chờ nữa. Tôi đã miệt mài tự học, dạy học và dịch sách.
‘ Dịch giả Bích Lan trong buổi giới thiệu cuốn sách Phật ở tầng áp mái
Giờ đây tất cả những gì tôi đang có là phương thuốc giúp tôi chống chọi với bệnh tật. Lâu lắm rồi tôi không có những ý nghĩ chán nản: mỗi ngày tôi đều tạ ơn cuộc sống vì mình có thêm một ngày nữa để sống và làm việc. Lòng yêu đời và sự thanh thản mới chính là thành công lớn nhất mà tôi đạt được trong công cuộc vượt khó này chứ không phải là những giải thưởng hay số lượng những cuốn sách tôi dịch và viết ra.
PV: Thời điểm nào được coi là bước ngoặt đối với Bích Lan? Nó có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của bạn ?
DG Bích Lan: Bước ngoặt lớn nhất trong đời đến khi tôi 13 tuổi. Đang từ một cô học sinh chuyên văn khỏe mạnh, ưa hoạt động tôi phải nghỉ học, phải chịu đựng nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần. Nhưng như bạn thấy đấy, chính bước ngoặt ấy cũng đã mở ra cho tôi một hướng đi dẫn đến ngày nay. Chính tai ương đã mang đến cho tôi cơ hội rèn luyện ý chí, giúp tôi thêm trân trọng những gì mình có và cũng là cơ hội giúp khả năng tiềm ẩn trong tôi thức dậy.
PV: Động lực nào giúp cho cơ thể yếu đuối của Bích Lan lại mang ý chí chiến đấu to lớn đến như vậy?
DG Bích Lan: Đó là khát khao được sống, chỉ cần sống để nhìn thấy những người thân của mình là tôi đã thấy đủ, chưa kể sống để tạo ra những giá trị mới, những niềm đam mê được độc giả yêu quý. Từ 20 năm nay, lúc nào tôi cũng thiếu thời gian: nhìn ngó, ngắm nghía, làm việc. Động lực trước hết là từ bản thân tôi, sau đó là gia đình tôi, người mẹ yêu quý, các em, cả đứa cháu 4 tuổi. Sự động viên của bạn đọc cũng giúp tôi rất nhiều. Có bạn gửi một dòng: “Hôm nay mua được quyển sách này đúng là của chị dịch” cũng khiến tôi vui sướng. Đó chính là động lực giúp tôi đến với những trang sách. Hãy luôn nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn kể cả trong tình huống bi đát nhất.
PV: Bích Lan nghĩ mình sẽ viết văn, dịch văn đến khi nào?
DG Bích Lan: Tôi vẫn viết hàng tháng. Khi nào mà không viết nữa, chắc đó cũng là lúc nhắm mắt xuôi tay. Những người viết văn là thế, tôi là một dịch giả cũng đồng thời là một nhà văn. Tôi sẽ viết cho đến hơi thở cuối cùng. Người ta gọi đó là văn đã ngấm vào trong máu.
PV: Nếu khỏi bệnh, việc đầu tiên bạn muốn làm là gì?
DG Bích Lan: Tôi muốn đi đến “quê hương” của các cuốn sách tôi đã dịch: Ấn Độ, Iceland, Israel…
Cảm ơn Bích Lan về cuộc trò chuyện!