Hạ Ti và những giá trị văn hóa đặc sắc

Phương Linh (Ảnh: Thu Tâm)-Thứ tư, ngày 14/02/2024 15:09 GMT+7

VTV.vn - Hạ Ti là một ngôi làng cổ kính ở Vân Nam (Trung Quốc), nơi ở của cộng đồng dân tộc thiểu số, có các giá trị văn hoá đặc sắc.

Quý Châu không chỉ nổi lên trên bản đồ du lịch bằng những công trình xây dựng đồ sộ như cây cầu cao nhất thế giới - cầu Bắc Bàn Giang - nối giữa tỉnh Quý Châu và tỉnh Vân Nam ở độ cao khoảng 565m; giao lộ 5 tầng "nối liền tứ phương" Kiềm Xuân ở thành phố Quý Dương với chiều dài tuyến chính là 5.270m, 11 đường dẫn, 8 cổng ra vào; mà Quý Châu còn ôm trong lòng nhiều ngôi làng cổ kính, nơi ở của những cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn mang trong mình niềm tự hào về các giá trị văn hoá đặc sắc, một trong số đó là cổ trấn Hạ Ti.

Hạ Ti và những giá trị văn hóa đặc sắc - Ảnh 1.

Quá khứ huy hoàng

Cái tên Hạ Ti xuất phát từ thời Minh Thanh, vùng đất tuy nằm ở thượng du sông Thanh Thủy nhưng lại là chi nhánh phía hạ du của Trưởng quan ti (tên gọi cơ quan chính quyền địa phương thời Nguyên, Minh, Thanh) nhằm bình định, cai quản vùng đất này. Hạ Ti ngày nay nằm ở phía Tây Nam của thành phố Khải Lý, diện tích toàn trấn là 154km2, dân số 5 vạn người, là nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số như Miêu, Động, Mục Lão (Mulao).

Hạ Ti và những giá trị văn hóa đặc sắc - Ảnh 2.

Từ thời Gia Khánh (năm 1808) Hạ Ti đã là một thương cảng tấp nập, đến thời Trung Hoa dân quốc, nơi đây phát triển thành một đô thị sầm uất với bến tàu cầu cảng, là trung tâm tập kết và phân phối hàng hoá quan trọng ở vùng Đông Nam Quý Châu. Khi đó, thương nhân quần tụ trong trấn, hình thành nên các bang hội, cửa hàng, kho tàng, hội quán, nhà hàng ở khắp các con phố, mở cửa kinh doanh nhộn nhịp suốt ngày đêm. Giờ đây, dọc đường lớn hai bên sông vẫn còn đó những cầu tàu lớn nhỏ với những bậc đá cao hơn 30m, những vòm cầu đá duyên dáng (nghe nói có từ thời Càn Long - năm 1779), những ngôi chùa, những điện thờ cổ kính, Quan Âm các, những góc phố rêu phong mơ màng, phảng phất bóng dáng một đô thị cổ phồn hoa năm nào.

Hạ Ti và những giá trị văn hóa đặc sắc - Ảnh 3.

Hàng cột hun hút trên cây cầu phong vũ dẫn vào cổ trấn

Được biết, thời đó việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu dựa vào thuyền và ngựa, cứ mỗi ngày chợ phiên, tàu thuyền từ trong và ngoài tỉnh lũ lượt kéo đến, hàng trăm hàng ngàn chiếc thuyền buôn neo đậu trên sông, đèn đuốc rực sáng thâu đêm, phản chiếu xuống dòng sông tựa như muôn vàn vì sao lấp lánh. Các khách điếm, quán trọ là nơi thương nhân tụ tập, không khí rộn ràng náo nhiệt, các cuộc thương thảo làm ăn cứ thao thao bất tuyệt diễn ra không ngừng. Cảnh tượng này được người đương thời ví nơi đây như "tiểu Thượng Hải", đủ để thấy nhịp sống trên bến dưới thuyền trước đây tấp nập biết bao nhiêu.

Hạ Ti và những giá trị văn hóa đặc sắc - Ảnh 4.

Vẫn còn đây dấu vết, phong vị xưa

Thong thả tản bộ ngắm nghía mái phố và đọc những dòng chú thích ở các di tích, chúng tôi mới lý giải được những cảm nhận rất khác nhau của mình qua mỗi góc phố con đường, mới hiểu được vì sao đang ở Hạ Ti mà có lúc tưởng như đang đứng giữa thủy trấn Giang Nam, lúc lại như đang thăm ngôi làng Miêu, Động, khi thì như gặp lại một góc phố Thượng Hải hay ngôi đền Phúc Kiến…

Từ cuối thời nhà Thanh đến đầu thời Trung Hoa dân quốc, hoạt động kinh doanh ở đây đặc biệt thịnh vượng. Các hội thương nhân từ các nơi trong tỉnh Quý Châu và các tỉnh khác như Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây và Phúc Kiến đến thường trú trong thị trấn, lập nên các hội quán là nơi sinh hoạt và giao lưu văn hóa như hội quán Xuyên Điền (tức hội quán Tứ Xuyên và Vân Nam), hội quán Giang Tây, hội quán Lưỡng Hồ (tức Hồ Bắc và Hồ Nam), hội quán Phúc Kiến. Các phú thương từ nhiều tỉnh/hội quán khác nhau đã mở các cửa hiệu trong trấn, kinh doanh nhiều loại thương phẩm khác nhau như vải, sợi bông, các hương liệu...

Hạ Ti và những giá trị văn hóa đặc sắc - Ảnh 5.

Tháp trống 13 tầng, nét văn hóa đặc trưng của người Động

Hạ Ti ngày nay đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, không còn cảnh "ngựa xe như nước áo quần như nêm", không còn cảnh hàng dãy thuyền buôn xếp hàng dài trên bến, không còn rừng sao sa trên mặt nước sông Thanh Thuỷ. Hạ Ti đã khoác lên mình diện mạo mới, nhưng vẫn ôm trong lòng dòng sông xanh ngọc, chứng kiến bao biến thiên và lưu giữ bao dấu tích linh hồn của trấn cổ: những ngôi nhà gỗ chạm khắc tinh xảo, những mái vòm cong cong trên lầu trống, những chuỗi đèn lồng đỏ rung rinh nhè nhẹ, những cây cầu phong vũ bắc qua dòng kênh trong xanh, bên hàng liễu rủ vàng, những bia chữ khắc chạm đã phai màu thời gian. Vẫn phảng phất đâu đây phong vị văn hóa sinh hoạt của cộng đồng dân cư từ nhiều miền đất Trung Hoa xưa từng tụ hội. Dạo bước trên những con phố lát đá xanh ở Hạ Ti, ta có cảm giác như thời gian đang chầm chậm tua lại những thước phim cũ, có huyên náo có tĩnh lặng, có phồn hoa có trầm mặc… Mới cũ dung hòa đan xen nâng đỡ bước chân lữ khách trong một chiều đông cô tịch, tựa cửa nghe lão nhân gia thuật lại quá khứ xa xăm, thoả sức đắm mình trong miền hồi tưởng.

Hạ Ti và những giá trị văn hóa đặc sắc - Ảnh 6.
Nếu tìm kiếm các điểm đến trên bản đồ du lịch Quý Châu, bạn khó có thể nhìn thấy cái tên "Hạ Ti cổ trấn" giữa những Tây Giang thiên hộ Miêu Trại, Trấn Viễn cổ thành hay Triệu Hưng Động trại lừng danh. Hạ Ti tựa như chính cái tên của mình, e ấp nép mình bên dòng Thanh Thuỷ, nhưng vẫn mang một vẻ đẹp đủ để làm thổn thức trái tim du khách yêu nét trầm mặc, cổ kính, giản dị, thuần khiết nơi đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước