Từ một đất nước nhỏ bé, phở - món ăn đậm quốc hồn quốc túy của Việt Nam - đã có mặt ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Phở chính là món ăn Việt được thế giới biết đến nhiều nhất. Phở mang trong nó cả một dòng chảy theo vận nước nổi trôi, từ gánh phở thời tản cư, thời bao cấp, rồi hội nhập. Đó không chỉ là món ăn, mà là câu chuyện về việc lưu giữ tinh hoa ẩm thực Việt vươn ra thế giới.
Liệu chúng ta có thể làm gì để phở nói riêng, ẩm thực Việt Nam trở thành một thương hiệu quốc gia? Câu chuyện này được Góc nhìn văn hóa phân tích bắt đầu từ hương vị phở thấm đẫm trong hơi thở cuộc sống hàng ngày của người Việt.
Năm 2007, từ "phở" xuất hiện trong tự điển Oxford lừng danh của Anh. Năm 2014, từ phở xuất hiện trong hệ thống từ điển nổi tiếng của Mỹ Merriam Webster. Hai năm sau, từ điển nổi tiếng Pháp Le Petit Larousse cập nhật từ phở…
Năm 2011, trong 50 món ngon thế giới do Đài CNN bình chọn có 3 món là phở, gỏi cuốn, chả giò của Việt Nam. Năm 2021, chuyên trang Love Food của Anh đưa ra danh sách các món ăn "phải thử trong đời" của các quốc gia, trong đó có phở Việt Nam. Đầu năm nay, CNN đưa phở bò Việt Nam vào danh sách 20 món nước ngon nhất thế giới. Có thể thấy, việc xây dựng thương hiệu ẩm thực quốc gia cho phở hoàn toàn xứng đáng.
Vậy chúng ta đã làm gì để xây dựng thương hiệu cho phở? Từ năm 2015, món phở bò đặc trưng của Việt Nam đã chính thức được Vietnam Airline phục vụ trên khoang hạng thương gia các chuyến bay quốc tế xuất phát từ Hà Nội và TP.HCM. Phở là món ăn không thể thiếu trong các ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam với thế giới. Từ năm 2017, Việt Nam đã chọn ngày 12/12 là Ngày Phở với nhiều hoạt động hấp dẫn như Đi tìm người nấu phở ngon, Xe phở yêu thương đưa phở về vùng sâu vùng xa...
"Đối với mỗi quốc gia, món ăn còn đại diện cho văn hóa, nét sinh hoạt và cả một dân tộc. Nó đầy đủ nhiều yếu tố như vậy" - ông Nguyễn Thường Quân - Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam - "Ngoài tính chất văn hóa thể hiện nỗi niềm nhớ quê hương của người đi xa tổ quốc, nó còn nói lên đặc tính lúa gạo. Từ nước dùng đến gia vị, không có món ăn nào trên thế giới có nét đặc trưng giống như vậy".
Ngay khi đến Việt Nam vào năm 2007, Philip Kotler, cha đẻ marketing hiện đại đã gợi ý - "bếp ăn của thế giới" như là một trong những chọn lựa của Việt Nam khi xây dựng thương hiệu quốc gia. Phở ngon là vậy, nổi tiếng là vậy, nhưng đã qua rồi cái thời "hữu xạ tự nhiên hương", công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá món phở phải thật cụ thể, bài bản và dài hơi. Nhiều quốc gia trên thế giới dã xây dựng hồ sơ các món ăn để UNESCo công nhận là di sản văn hóa phi vât thể dại diện của nhân loại..như Pizza của Italia, Cafe Thổ Nhĩ Kỳ, Kimchi của Hàn Quốc ....Và rất nhiều sáng tạo, sáng kiến để phát huy ẩm thực thành tài sản quốc gia, thương hiệu quốc gia.
Du lịch, điện ảnh hay truyền hình là những phương tiện hữu hiệu để các quốc gia lớn quảng bá ẩm thực thành công. Ở Việt Nam, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, rồi các hiệp hội như Hiệp hội văn hóa ẩm thực, hiệp hội đầu bếp…cũng rất đáng ghi nhận. Nhưng rõ ràng cần một chiến lược tầm quốc gia cho ẩm thực thì mới có thể tạo sự bứt phá.
Việt Nam có hơn 3000 món ăn, lọc ra những món tinh túy nhất thì ngoài phở còn vài chục món khác như nem, bánh cuốn hay bánh mì. Ẩm thực Việt Nam đa dạng và đặc sắc không thua kém những kinh đô ẩm thực thế giới như Thái Lan, Trung Quốc hay Pháp... Hơn thế, ẩm thực Việt còn chính phục thực khách khắp nơi trên thế giới bởi sự tinh tế, hài hòa dinh dưỡng, có lợi cho sưc khỏe. Giấc mơ trở thành bếp ăn của thế giới có trở thành hiện thực hay không, có lẽ chỉ còn phụ thuộc vào quyết tâm của chúng ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!