Đạo diễn Phan Huyền Thư và một hình ảnh trong phim của cô.
Xuất hiện trong chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật ngày 27/7 cùng họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, nữ đạo diễn Phan Huyền Thư đã có một cuộc trò chuyện về vấn đề sáng tạo cũng như thực trạng phim tài liệu của Việt Nam. Thông qua cuộc trò chuyện, nữ đạo diễn đã phần nào lý giải được cho những khúc mắc tại sao phim tài liệu Việt Nam vẫn giữ một khoảng cách quá lớn so với thế giới.
“Phim tài liệu Việt Nam trong tổng thể châu Á và quốc tế … nó làm tôi liên tưởng tới việc chúng ta có mấy con cá và chúng ta cho vào trong cái âu thủy tinh rồi thả cái âu xuống ao” – Đạo diễn Phan Huyền Thư mở đầu cuộc trò chuyện – “Trong khi bạn bè quốc tế thì ở bên ngoài bơi lội tung tăng, thoải mái. Mình cũng ở trong đấy, cũng được nhìn thấy các bạn và các bạn cũng nhìn thấy mình nhưng mình vẫn chỉ ở trong cái âu thủy tinh ấy – một cái âu thủy tinh được thả xuống ao”.
Vậy tại sao những con cá không nhảy ra khỏi cái âu thủy tinh?
“Có rất nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không vượt qua? Chính các bạn quốc tế cũng nói chúng ta có sự lý tưởng về nguồn đề tài vô tận” – đạo diễn Phan Huyền Thư nói tiếp – “Nhưng tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chưa bao giờ trả lời sòng phẳng với chính mình là chúng ta làm bộ phim này để làm gì. Đó là điều rất quan trọng. Chúng ta làm bộ phim để đưa tiếng nói của mình, để đưa hiện thực cuộc sống đến với nhân loại hay chúng ta làm vì chúng ta là công chức nhà nước, chúng ta ăn lương và chúng ta phải làm tròn nghĩa vụ?”.
Bên cạnh ý kiến trên, nữ đạo diễn còn cho rằng nguyên nhân sâu hơn của sự chậm phát triển là do sự ngộ nhận của chính những người làm phim.
“Chính sự ngộ nhận về nghề nghiệp đã giết chết khả năng, nội lực, năng lượng mà lẽ ra người nghệ sĩ đã dùng nó như công cụ để thể hiện bản thân cũng như để kể câu chuyện của mình”.
Dưới đây là trọn vẹn nội dung cuộc trò chuyện giữa đạo diễn Phan Huyền Thư, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức tại Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật ngày 27/7.