Qua 3 lần tổ chức, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm luôn có tiêu chí thống nhất là: khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo về nội dung và hình thức thể hiện. Từ lần đầu tổ chức, đến nay, các vở diễn của Việt Nam phần nào đã mang hình hài thử nghiệm rõ nét hơn. Bên cạnh những phép thử thành công, cũng xuất hiện không ít những quan điểm sai lầm, tạo nhiều băn khoăn trong giới làm nghề, nhất là những tranh cãi "thế nào là thử nghiệm".
Nhiều người cho rằng, thử nghiệm là cuộc chơi sang bởi đã thử thì phải tốn kém. Như vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Nhà hát múa rối Thăng Long là một thí dụ gây tranh cãi nhiều nhất ở Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm Hà Nội lần thứ 3. Hồn Trương Ba, da hàng thịt bị cho là quá lạm dụng kịch nói, dẫn tới việc át đi chất đặc thù của nghệ thuật rối. Đây là cuộc thử nghiệm không thành. Bởi những hiệu ứng vở diễn mang lại chỉ ở hình thức còn cái cốt yếu đáng để xem đó là đề cao bản sắc của nghệ thuật rối thì lại không có. Nói như nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành thì vở diễn đã làm "bé" tác phẩm nổi tiếng của cố đạo diễn Lưu Quang Vũ, cũng như có sự vênh giữa tuyên ngôn của đội ngũ sáng tạo và thực tế.
Vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Nhà hát múa rối Thăng Long
Ranh giới giữa những thử nghiệm nghệ thuật và thuần túy tìm kiếm một cái gì khác biệt vốn rất mong manh. Trên con đường tìm kiếm và làm mới sân khấu đã có những tác giả, đạo diễn đưa ra cách xử lý quá táo bạo, thậm chí, thiếu tính nghệ thuật và coi đó là "thử nghiệm". Trong vở Dưới cát là nước của Nhà hát Kịch nói Quân đội, đội ngũ sáng tạo cho rằng vở diễn độc đáo bởi đi sâu vào thân phận con người, điều ít thấy ở các vở diễn truyền thống về chiến tranh cách mạng của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Nếu theo cách lý giải này, "thử nghiệm" là "cũ mình mới ta"? Theo nghệ sĩ Đào Quang - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định, nói "thử nghiệm" là làm mới, vậy mới ở đây là so với đơn vị hay mới so với mặt bằng chung của sân khấu Việt Nam. Và chắc chắn những vở diễn "cũ người mới ta" không thể khoác áo "thử nghiệm".
"Đối với sân khấu thử nghiệm tức là phải mới. Cái mới này có thể trên hình thức kịch bản, tác giả, đạo diễn và lối diễn của diễn viên. Nhưng phải đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả. Đấy là cái đích cuối cùng. Ví dụ như chương trình nghệ thuật giải trí Ionah Show là chương trình mà chúng ta thấy hấp dẫn bởi vì chúng ta chưa được xem, chưa được biết. Nó đã được tiếp cận giữa xiếc và các kỹ thuật ánh sáng, sân khấu điện ảnh, thì đây là một cái mới với Việt Nam, còn thế giới thì tôi cho là không phải là mới", nghệ sĩ Đào Quang chia sẻ.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật, giải trí tổng hợp mang tên "Ionah" tại Hà Nội
Vậy "thử nghiệm" có phải là cái mới? Điều này lại chưa hẳn, bởi theo nhiều ý kiến bản chất nghệ thuật là luôn phải làm mới, không có tác phẩm nào lặp lại cái cũ. Điển hình như vở kịch Hamlet, dẫu đã qua 4 thế kỷ từ thời nhà viết kịch Shakespeare chắp bút viết tác phẩm này, nhưng vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn được các nghệ sĩ quốc tế đánh giá cao vì đã mang dấu ấn cách nghĩ, cách nói của người Việt Nam thế kỷ thứ 21. Có thể thấy thử nghiệm ở đây phải cao hơn cái mới. Đó là sự độc đáo và lôi cuốn khán giả.
Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng: "Sân khấu thử nghiệm có thể mới ngày hôm nay nhưng chỉ một thời gian sau đó nó là một cái gì đó cũ rồi. Bởi hình thức của sân khấu luôn luôn phát triển. Thử nghiệm chứa đựng tất cả những tìm tòi của người làm sân khấu, sẽ không có bất cứ một quy tắc nào cả trong việc làm sân khấu thử nghiệm".
Nếu sân khấu Việt còn đang loay hoay định nghĩa "thử nghiệm" thì những vở diễn khoác áo "thử nghiệm" của các nước bạn thật sự hấp dẫn giới sân khấu và khán giả Việt Nam. Điển hình như ở vở Con tàu này sẽ không trôi mãi của Panama, với những động tác hình thể cùng đôi lời dẫn dắt, các nghệ sĩ quốc tế đã xây dựng lên không gian một con tàu trong cơn bão nổi lên giữa biển, có hình ảnh người phụ nữ đang mang thai, đoàn thủy thủ bấn loạn. Vở diễn dẫn dắt khán giả đến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Đây là điều rất ít vở diễn làm được.
Đạo diễn Luis Alfredo người Panama cho rằng: "Thử nghiệm là làm những cách khác nhau để lột tả tâm trạng, tình cảm của diễn viên trên sân khấu. Thử nghiệm là sáng tạo không ngừng, chúng ta có thể đưa tất cả các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tân tiến nhất lên sân khấu truyền thống sao cho có thể chuyển tải nội dung vở diễn tốt nhất đến khán giả. Đó là thử nghiệm".
Nếu xem sân khấu thử nghiệm như một thí nghiệm hóa học, khi trộn các chất khác nhau sẽ cho ra các sản phẩm khác nhau thì những người nghệ sĩ thử nghiệm với các chất liệu, tư duy khác nhau sẽ cho ra những tác phẩm khác nhau. Nên tranh cãi về sân khấu "thử nghiệm" cũng là điều dễ hiểu, bởi trong phép thử nghiệm của nghệ thuật, không phải phép thử nào cũng có thể thành công. Nhưng một điều chắc chắn rằng, khi khán giả chấp nhận đó sẽ là một vở diễn thử nghiệm thành công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!