Trời sinh tôi ra để hát
Thanh Tuyền đã có 3 đêm diễn đánh đấu sự trở lại của mình với khán giả quê nhà, bà mong đợi gì ở lần trở lại này?
- Điều tôi mong đợi chỉ duy nhất là tình cảm của khán giả. Sau tour diễn khán giả sẽ thương tôi hơn, cũng như tôi thương họ vậy. Khán giả lạ lắm, không thể diễn tả hết được. Họ thương mình từ ngày còn tóc xanh, cho đến bây giờ đã già lụm cụm. Phải dùng chữ "nặng tình" để nói về những tình cảm đó.
Vậy dự định của bà về tour diễn sắp tới?
- Tôi sẽ thực hiện một tour xuyên Việt ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ. Dòng nhạc của Thanh Tuyền đã ăn sâu vào lòng khán giả nên đi đâu cũng hát, cũng nhận được yêu thương của khán giả, vậy là tôi mừng rồi.
Khán giả muốn nghe lại những lời nhạc, bài hát đã nghe mấy chục năm trước. Tôi không thể nào mà không hát lại, dù có nhiều bài tủ nhưng mình cũng phải theo tình cảm của khán giả. Nhiều người nói với tôi không nên hát các bài mới vì khán giả chờ đợi mỗi đêm diễn của tôi để họ được quay về với kỉ niệm.
Còn sự thay đổi, điều chỉnh sẽ tùy theo đặc điểm của từng địa phương để dung hòa, không thể để chương trình chỗ nào cũng giống hệt nhau được.
Thanh Tuyền sở hữu chất giọng mượt mà đặc biệt, chắc bà có nhiều bí quyết giữ giọng kỹ lắm?
- Bí quyết lớn nhất là sự đam mê. Bởi quá đam mệ nên giọng hát đối với tôi giống như báu vật. Tôi luôn chú ý tới trình trạng sức khỏe, bữa ăn, giấc ngủ để mình có được trạng thái tốt nhất khi lên sân khấu. Chuyện gì cũng không quan trọng bằng sân khấu mình sắp biểu diễn. Khi đã hát, tôi quên hết những điều xung quanh và thả mình vào lời ca, giai điệu. Sống phải có âm nhạc thì tôi mới sống được.
Có lẽ bởi vậy mà giọng hát Thanh Tuyền luôn tròn đầy da diết cảm xúc, khiến cho khán giả bồi hồi xúc động mỗi khi nghe?
- Tôi nghĩ trời sinh tôi ra để hát. Định mệnh trong máu tôi rồi. Hễ nhạc nổi lên là cảm xúc đầy ắp trong tim.
Tôi đã lớn tuổi, cảm xúc sân khấu và cách trình diễn cũng khác các em trẻ. Nhưng chính sân khấu đã cho tôi nhiều điều, sân khấu khiến tôi nhận được tình cảm dạt dào của khán giả nên không bao giờ dám nói bỏ sân khấu.
Nếu ơn trên còn cho tôi hát thì tôi vẫn tiếp tục cho đến khi không thể nữa thì thôi. Tôi đã được lời nhiều quá rồi. Mọi thứ với tôi bây giờ là cộng thêm. Chính vì điều đó nên tôi giữ gìn sức khỏe thật tốt và sống bằng cái tâm.
Những ca khúc như "Nỗi buồn hoa phượng", "Đà Lạt chiều hoàng hôn", "Ở hai đầu nỗi nhớ", "Không bao giờ quên anh"… đã gắn bó với tên tuổi Thanh Tuyền nhiều năm. Nhưng khi hát đi hát lại những ca khúc đó trong suốt sự nghiệp có khi nào bà cảm thấy chán?
- Đó là những ca khúc quen thuộc nhưng ở mỗi giai đoạn lại có một cảm xúc mới mẻ khác nhau. Đó là vì những trải nghiệm của đời người, của bản thân tôi trên sân khấu và trong cuộc sống, sao có thể nói là chán được?
Ngay cả khán giả, dù đã nghe tôi hát cả trăm lần, dù cũng nghe các em trẻ hát lại nhiều bài của tôi ngày xưa, nhưng khi gặp tôi họ vẫn yêu cầu tôi hát lại chính những bài đó, bởi nó gợi cho họ cảm xúc, kỉ niệm.
Suy nghĩ về việc làm giám khảo
Nhiều người nói Bolero là dòng nhạc sến?
- Đó là do định kiến của mọi người đối với Bolero, trong 7 nốt nhạc, có nốt nào là sến, nốt nào là sang đâu, tại sao lại phải phân biệt như vậy? Bolero là dòng nhạc gần gũi với mọi người, bởi nó sinh ra từ thực tiễn cuộc sống, từ câu chuyện, từ cảm xúc của tất cả mọi người.
Có phải bởi vậy mà nhiều người nói rằng khán giả Bolero là những khán giả bình dân?
- Bolero là dòng nhạc chân thật, bình dị, đòi hỏi tình cảm, đòi hỏi người hát phải để hồn vào đó, phải chết sống với bài hát thì mới hay được. Mỗi bài hát Bolero là cuộc đời của mỗi một người và nó chạm được tới trái tim nhiều người.
Hiện tại dòng nhạc Bolero đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, bà cảm thấy thế nào về chuyện này?
- Bolero có sức sống lâu dài vì đi sâu vào tình cảm thực tế của mỗi người. Hiện nay có nhiều người hát dòng nhạc này thì tôi mong nó sẽ còn mãi mãi. Vì dòng nhạc này chỉ có Việt Nam mới có.
Hát Bolero không phải chỉ cần hát hay là được, mà cần trau dồi kinh nghiệm, thu nhặt cảm xúc, có được sự trải nghiệm, có được câu chuyện, sự đồng cảm với ca khúc thì mới cất lên được tiếng hát từ trái tim mình.
Bây giờ nghệ sĩ cùng lứa với bà về nước làm giám khảo các chương trình, cuộc thi trong nước. Bà có xem không và nghĩ sao về điều này?
- Tôi có xem, cũng có một số bạn cũng gặp tôi và mời làm giám khảo. Tôi muốn suy nghĩ thêm vì không thích cảm giác nhìn người thắng - người thua. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh người thắng thì vui, người thua thì buồn. Chắc tùy duyên thôi. Tôi cũng chưa biết làm giám khảo thế nào nữa.
Được biết bà và gia đình mình thường xuyên có những hoạt động từ thiện?
- Tôi đi làm từ thiện để trả ơn cuộc đời vì mình quá sung sướng, may mắn. Tôi nghĩ mình có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu, cũng không kêu gọi thêm ai nữa vì như vậy là mắc nợ thêm. Tôi và gia đình mình nếu có thời gian đều đi từ thiện, dù là ở hải ngoại hay về Việt Nam.
Tôi đã từng ở trên cao và cũng từng lọt xuống dưới hố sâu rồi. Tôi đã thấm rồi thì tôi nghĩ đối với mình không có gì quan trọng hết. Bây giờ, nói theo tâm linh vì tôi là Phật tử, tôi phải làm nhiều thứ trước khi không còn được ở trong kiếp người này nữa để nhẹ bớt vì thế gian này quá nhiều đau khổ.
Bà có đối tượng nào mình muốn đặc biệt giúp đỡ không?
- Từ xưa đến giờ tôi tự động đi kiếm và âm thầm giúp đỡ họ. Nhiều người không biết tôi giúp, không biết Thanh Tuyền giúp, chỉ biết có người tên Nguyễn Mai giúp đỡ thôi. Tôi làm từ thiện không phải vì danh tiếng, nói thẳng là như vậy.
Tôi đã từng ở trên cao chót vót, có đầy đủ mọi thứ rồi bất chợt tuột xuống tận cùng. Khi ở tận cùng tôi mới nhìn nhận được nhiều việc, những chuyện đó giúp tôi trưởng thành theo thời gian, năm tháng. Những điều đó làm tôi cảm thấy cuộc đời chỉ còn chữ "tình", "tâm" chân thành là quý. Danh vọng, tiền tài vật chất không còn quan trọng nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!