Tranh dân gian Việt Nam đã thấy sự hồi sinh

Theo Minh Ngọc (HNMO)-Thứ năm, ngày 03/04/2014 13:00 GMT+7

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên với tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: Mai Ngọc

Tranh dân gian Hàng Trống (Hà Nội) và Đông Hồ (Bắc Ninh) được giới thiệu, trình diễn tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đã có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế. Tại đây, du khách tìm thấy nét văn hóa dân gian, sự tương đồng và khác biệt của hai dòng tranh dân gian nổi tiếng Việt Nam và phần nào là tín hiệu hồi sinh của chúng.

Trong ngôi nhà truyền thống đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội cuối thế kỷ XIX, một số bức tranh tiêu biểu của dòng tranh dân gian Hàng Trống được treo trang trọng ở gian ngoài cùng. Bộ "Tứ quý" (bốn mùa) vẽ cảnh cây cối, hoa lá, chim, thú, tượng trưng cho bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Bức "Chim công múa" họa cảnh chim công có bộ lông tuyệt đẹp, đỏm dáng, xòe cánh múa, biểu tượng của sự thái bình, no đủ. Bức "Lý Ngư vọng nguyệt" (cá chép trông trăng) đạt đến trình độ cao về mỹ thuật, gửi gắm ước vọng về một năm mới hạnh phúc. Tranh hổ, với những nét vẽ khỏe khoắn, màu sắc đa dạng, bố cục cân đối, chứa nhiều thông điệp về nền văn hóa cổ phương Đông…

Trình diễn kỹ thuật vẽ tranh Hàng Trống tại Ngôi nhà di sản, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết: "Tranh Hàng Trống là sự kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật nửa in, nửa vẽ trên chất liệu giấy dó. Người vẽ sau khi dùng ván in lấy hình sẽ tô màu bằng màu nước hoặc bột màu rồi mới bồi tranh. Bồi tranh là công đoạn khó nhất, rất ít người có khả năng làm được. Mỗi bức vẽ được bồi 3 lớp đến 8 lớp, vì thế tranh Hàng Trống có thể để được rất lâu mà màu vẫn tươi, giấy vẫn tốt. Tranh Hàng Trống gồm hai đề tài chủ yếu là tranh thờ và tranh chơi tết. Tranh thờ (tranh Tứ phủ, Tam phủ, Ngũ hổ…) thường được trang trí tại các đền thờ, miếu, phủ, điện thờ; còn tranh chơi tết miêu tả cảnh thiên nhiên, sinh hoạt".

"Tranh Hàng Trống là một trong những đặc sản của văn hóa Hà thành, ẩn chứa giá trị thẩm mỹ, triết học, văn hóa, tín ngưỡng của người Hà Nội xưa", nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê nhận định.

Tương tự như tranh Hàng Trống, hàng chục bức tranh Đông Hồ được giới thiệu tại Ngôi nhà di sản phản ánh những điều bình dị trong cuộc sống thường ngày (Đám cưới chuột, Hái dừa, Đánh ghen, Chơi đu, Đấu vật…), gửi gắm ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, hạnh phúc trong năm mới (Tiến tài tiến lộc, Gà đàn, Lợn đàn, Vinh hoa phú quý…). Nhưng khác với tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ là tranh in trên giấy điệp.

"Tranh được in bằng cách bôi màu vào bản khắc gỗ, mỗi màu một bản, sau đó ấn khuôn lên giấy. Khâu cuối cùng là chấm sửa tranh, gọi là đồ tranh. Tranh Đông Hồ có 5 màu chủ đạo nên để in một bức tranh cần phải có 5 bản khắc, in trong 5 lần" - nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết.

Với dòng tranh Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết, con trai ông là Lê Hoàn, hiện công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đang nối nghiệp cha ông giữ dòng tranh quý. Mừng hơn, công trình nghiên cứu "Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội" (họa sĩ Phan Ngọc Khuê chủ biên) giành giải nhất Giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2013 của Hội Văn nghệ dân gian là cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn để những ai yêu dòng tranh Hàng Trống tìm hiểu, nghiên cứu và phục hồi.

Sau triển lãm đặc biệt này và nhìn vào thị trường tranh dân gian hiện nay, công chúng có thể thấy sự hồi sinh của chúng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước