Triển lãm là khúc ca tuổi trẻ, là lời tri ân sâu sắc những thanh thiếu niên đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, để thế hệ trẻ hôm nay càng thêm tự hào “giữ lửa truyền thống - tiếp bước tương lai”, góp phần xây dựng Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung: “Tuổi xanh nơi ngục lửa”, “Ngọn lửa Thành đồng” và “Ký ức không phai”. Nội dung “Tuổi xanh nơi ngục lửa” giới thiệu những tấm gương học sinh, sinh viên với những đóng góp to lớn, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), tại Hà Nội, nhiều thanh thiếu niên đã tham gia Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt thuộc Trạm Giao thông Công an quận 6 và âm thầm lập nên những chiến công xuất sắc. Mặc dù bị địch bắt, giam trong Nhà tù Hoả Lò, các chiến sĩ trẻ tuổi vẫn can trường đấu tranh.
Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt được thành lập và hoạt động từ ngày 19/12/1946 đến giữa năm 1948. Đội có khoảng 40 thành viên trong độ tuổi từ 12 - 17. Các đội viên đã dũng cảm, mưu trí tham gia: mở đường bí mật cho lực lượng của ta trở lại Hà Nội, chuyển thư và tài liệu, rải truyền đơn, dẫn đường cho Công an quận 6 trừng trị những tên tay sai đắc lực của địch…
Một số tấm gương học sinh kháng chiến, sinh viên của Đội Quân báo Bát Sắt. Trong quá trình hoạt động, nhiều đội viên bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò, bị tra tấn và hành hạ dã man bằng nhiều hình thức. Thế nhưng tại nơi “địa ngục trần gian”, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ vẫn tỏa sáng, mặc cho chế độ giam cầm hà khắc vẫn kiên cường đấu tranh, mặc cho gông cùm, xiềng xích vẫn vươn lên bất khuất.Hình ảnh học sinh Hà Nội tổ chức lễ truy điệu và đưa tang đồng chí Trần Văn Ơn. Sống trong ách kìm kẹp của thực dân Pháp, những học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội vẫn chung sức, đồng lòng, làm dấy lên một phong trào đấu tranh sôi nổi với nhiều hình thức.
“Ngọn lửa Thành đồng” kể câu chuyện về những cuộc đấu tranh ác liệt với nhiều hình thức của tuổi trẻ miền Nam - nơi Thành đồng Tổ quốc, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi bị địch bắt, giam trong các nhà tù, nhiều học sinh, sinh viên vẫn bất khuất đấu tranh, giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết thanh xuân.
Lớp thanh niên trẻ hăng hái dấn thân vào cuộc đấu tranh ác liệt, chống địch khủng bố, đòi hoà bình với nhiều hình thức: biểu tình, “Hát cho đồng bào tôi nghe”... Những hoạt động đó không chỉ lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia mà còn tăng cường sức mạnh cho cách mạng miền Nam.
Chiến tranh đã lùi xa, một thời kỳ đấu tranh kiên cường và những năm tháng bị địch bắt tù đày đã trở thành ký ức không thể lãng quên. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ trẻ tuổi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc, là tấm gương cho thế hệ trẻ ngày nay tiến bước đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cựu đội viên Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt về thăm trụ sở đình Huỳnh Cung, Hà Nội (ngày 25/4/1998).
Để ôn lại truyền thống, tri ân những học sinh, sinh viên đã anh dũng hy sinh, Ban liên lạc học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội (1947 - 1954) đã tổ chức các hoạt động: tưởng niệm, tìm kiếm, đưa hài cốt liệt sỹ về quê hương; thăm viếng mộ liệt sỹ; tổ chức họp mặt truyền thống, giao lưu với nhân chứng lịch sử, thăm lại Di tích Nhà tù Hỏa Lò…
Một số hiện vật được trưng bày:
Sơ đồ cuộc vượt ngục táo bạo đêm mùng 7 rạng sáng ngày 8/5/1973 của 13 tù nhân Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Khát khao trở về với cách mạng, các thiếu niên tổ chức vượt ngục nhiều lần nhưng đây là cuộc vượt ngục thành công nhất.
Tập thơ “Gặt mùa” (tập I, II) được đồng chí Lê Tám (Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội) sáng tác trong thời gian phụ trách phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến và bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò (1951 - 1953).
Bài thơ đồng chí Lê Tám viết tặng 3 bạn tù Hoả Lò: Trần Khắc Cần, Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm sau khi chụp chung ảnh kỷ niệm nhân ngày được trả tự do (17/8/1953).
Thư đồng chí Phạm Hướng (mượn tên bạn tù Nguyễn Văn Phúc) viết tại Nhà tù Côn Đảo gửi em Phạm Thị Kỷ và em dâu Bùi Thị Kỳ (9/12/1950).
Khăn mùi xoa đồng chí Phạm Hướng gửi gia đình khi bị thực dân Pháp chuyển từ Nhà tù Hoả Lò ra Nhà tù Côn Đảo (5/1950).
Báo “Nhựa sống” của Đoàn Học sinh Hà Nội. Từ trái qua phải lần lượt là: số 12 (19/5/1952), số 16 và 17 (đặc san kỷ niệm ngày 19/8 và 02/9/1952), số 20 (15/11/1952).
Thẻ số tù của học sinh kháng chiến Dương Tự Minh, bị thực dân Pháp bắt, giam trong Nhà tù Hoả Lò (1952 - 1953).
Giấy trả tự do, Nhà tù Trung ương Hà Nội (Nhà tù Hoả Lò) cấp cho tù nhân Trần Khắc Cần (tức Thạch Anh, số tù 2056) ngày 17/8/1953.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!