Những năm gần đây, sự xuất hiện của các không gian nghệ thuật công cộng góp phần làm đẹp cảnh quan cho các địa phương. Tuy nhiên, do là không gian chung, ai cũng có thể tiếp cận, nên việc đảm bảo tính bền vững cho các công trình này đang gặp nhiều khó khăn. Từ việc lấn chiếm không gian, xâm phạm các tác phẩm nghệ thuật, đến viết vẽ bậy, phá hoại cảnh quan của những công trình này. Tất cả đang làm ảnh hưởng đến các không gian nghệ thuật công cộng, vốn cần được trân trọng, giữ gìn.
Tác phẩm sắp đặt có tên "Kim vàng giọt lệ" gợi lại ký ức về một chợ xe máy đầu tiên ở Hà Nội trên phố Phùng Hưng. Chiếc xe máy cũ, điểm nhấn của tác phẩm đã bị ai đó làm vỡ một phần. Ngay bên cạnh đó, tác phẩm "Máy nước công cộng" cũng bị nhiều người nhầm là thùng rác công cộng. Phố bích họa Phùng Hưng dài hơn 200m với những bức vẽ gợi nhớ về Hà Nội xưa. Nhiều người đến đây để hoài niệm, để cảm nhận một thành phố bình yên, thư thái, một điểm hẹn văn hóa. Tuy nhiên, việc ứng xử chưa tốt với những giá trị nghệ thuật tác động trực tiếp đến tính bền vững của tác phẩm.
Các dự án nghệ thuật công cộng đều hướng đến tăng tính thẩm mỹ cho không gian. Nhưng, điều trớ trêu là nó lại trở thành minh chứng cho thấy cách ứng xử chưa đẹp của nhiều người dân.
Rất nhiều người dân cho rằng, các dự án nghệ thuật công cộng chỉ thuần túy là để trang trí, làm đẹp, chữ không coi đây là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi lẽ đó, họ không quan tâm gìn giữ, cũng không trân trọng những sáng tạo của các nghệ sĩ. Thêm vào đó, việc thiếu quy chế về thực hành nghệ thuật công cộng, đi kèm với đó là cơ chế quản lý, bảo vệ khiến cho việc duy trì các không gian này lại càng gặp nhiều khó khăn.
Đầu năm 2020, bãi rác ven sông Hồng biến thành một không gian nghệ thuật với những tác phẩm sáng tạo từ vật liệu tái chế. Gần 5 năm trôi qua, công trình này đã xuống cấp nặng nề nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Nghệ thuật công cộng không phải là những tác phẩm đóng khung trong bảo tàng hay phòng trưng bày, mà hòa chung với hơi thở cộng đồng nên thường chỉ giữ được nguyên vẹn giá trị trong vòng 3-5 năm, sau đó sẽ bị xuống cấp, cần tu sửa thậm chí thay mới để phù hợp với cuộc sống. Tuy nhiên hiện tại, ở nước ta chưa có bất cứ một cơ chế nào cho nghệ thuật công cộng.
“Thực tế,m chưa có một hỗ trợ cụ thể để giúp những dự án này và cũng chưa bao giờ những dự án này có tên chính thức là dự án nghệ thuật công cộng. Về bản chất, nó chỉ có những cái tên kiểu cải tạo chỉnh trang, những cái tên rất hành chính”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển nghệ thuật, Giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội cho biết.
Tất cả các công trình nghệ thuật công cộng được xây dựng đều dựa trên nhu cầu của các địa phương. Kinh phí xây dựng ban đầu hầu hết từ nguồn xã hội hóa và không bao gồm kinh phí cho công tác bảo vệ, duy tu, sửa chữa.
Việc thiếu cơ chế cụ thể cho nghệ thuật công cộng khiến cho các không gian này đều tồn tại quá độ tuổi so với các công trình trên thế giới. Điển hình như con đường gốm sứ ven sông Hồng là 14 năm, Phố bích họa Phùng Hưng là 7 năm, còn không gian nghệ thuật Phúc Tân cũng đã bước sang tuổi thứ 5.
Theo nhận định của các chuyên gia, để phát triển nghệ thuật công cộng đòi hỏi sự kết nối ba bên, đó là chính quyền, nghệ sĩ và người dân. Chính quyền xây dựng cơ chế, quyết định những không gian thích hợp. Nghệ sĩ bảo đảm lựa chọn tác phẩm phù hợp không gian và thẩm mỹ. Người dân thưởng thức, có ý thức bảo vệ, giữ gìn không gian chung.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có chính sách riêng để phát triển không gian nghệ thuật công cộng. Tại Mỹ, nhiều thành phố đã thiết lập chương trình "Percent for Act" (tạm dịch là Phần trăm cho hành động), trong đó trích một phần ngân sách để tài trợ và lắp đặt các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Chủ đầu tư khi lên kế hoạch phát triển một khu vực đô thị nhất định phải dành ít nhất 1% ngân sách cho nghệ thuật công cộng. Nhờ "Percent for Act", New York đã có hơn 300 tác phẩm nghệ thuật công cộng được đặt tại các trường học, và nhiều không gian khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!