Văn hóa hâm mộ K-Pop và sự phát triển đáng kinh ngạc qua từng thế hệ

Hà Linh (Theo Allkpop)-Thứ ba, ngày 06/12/2022 09:22 GMT+7

VTV.vn - Nếu bạn là một tín đồ yêu nhạc K-Pop, chắc chắn bạn sẽ biết rằng sự nghiêm túc và "chịu chơi" của văn hóa hâm mộ âm nhạc này đã lên đến một tầm cao mới.

Đối với những người hâm mộ K-Pop, các ngôi sao thực sự là thần tượng của họ, là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Do đó, những nghệ sĩ K-Pop cũng luôn nỗ lực hết mình để có thể chăm sóc, tạo nên cộng đồng người hâm mộ bền vững, đồng thời luôn cố gắng tạo mối liên hệ đặc biệt với fan.

Văn hóa hâm mộ K-Pop thực tế đã bắt đầu hình thành từ chính thế hệ thần tượng đầu tiên. Tuy nhiên, xuyên suốt thời gian dài, văn hóa hâm mộ đã được phát triển với sự thay đổi đáng kinh ngạc. Đây có thể là một văn hóa tiên phong cho việc ủng hộ thần tượng và làm nên thương hiệu của cộng đồng người hâm mộ K-Pop.

Thập niên 80

Trước khi K-Pop được gọi là K-Pop như hiện tại, thậm chí kể cả trước khi khán giả bắt đầu phân chia "thế hệ K-Pop", văn hóa hâm mộ đã bắt đầu được hình thành từ thập niên 80. Lúc này, những người hâm mộ không có tên cộng đồng chính thức, không có những tấm ảnh bo góc hiếm có mà người hâm mộ ráo riết kiếm tìm. Tuy nhiên, họ vẫn có cách riêng để ủng hộ thần tượng của mình.

Ở thập niên này, những người hâm mộ thường xếp hàng dài tại những cửa hàng đĩa bằng cách mua CD, băng cassette và thậm chí là cả bản ghi băng số của nghệ sĩ họ yêu thích. Đây là cách phổ biến nhất để khán giả ủng hộ cho thần tượng của mình.

Thập niên 90 - Thế hệ thần tượng K-Pop đầu tiên

Văn hóa hâm mộ K-Pop và sự phát triển đáng kinh ngạc qua từng thế hệ - Ảnh 1.

Những nhóm nhạc thần tượng đầu tiên của K-Pop khuấy đảo thị trường âm nhạc.

Khi âm nhạc Hàn Quốc trở nên phát triển hơn và toàn bộ ngành công nghiệp giải trí cũng trở nên bớt bảo thủ hơn, một thế hệ K-Pop đầu tiên chính thức ra đời. Các nhóm nhạc thần tượng ngập tràn như Seo Taiji and the Boys, H.O.T, Fin.K.L S.E.S xuất hiên. Cùng nhau, họ chiếm lĩnh ngành công nghiệm âm nhạc, đây cũng là lúc cộng đồng fan xuất hiện và những "fandom" đầu tiên được hình thành.

So với thập niên 80, những thế hệ K-Pop đầu tiên xuất hiện có lợi thế khi được gọi tên người hâm mộ bằng những tên riêng. Khán giả gia nhập các câu lạc bộ hâm mộ chính thức của riêng nhóm nhạc. Ngoài CD, album, ảnh, khán giả cũng bỏ tiền mua những nhãn dán có hình thần tượng một cách đầy tự hào.

Văn hóa hâm mộ K-Pop và sự phát triển đáng kinh ngạc qua từng thế hệ - Ảnh 2.

Ở thời điểm này, mỗi nhóm đều có một biểu tượng màu sắc riêng, trong đó người hâm mộ sẽ ủng hộ thần tượng và phân biệt lẫn nhau bằng màu bóng bay khi tới tham dự concert. Cho đến nay, biểu tượng màu sắc này vẫn còn tồn tại trong các nhóm nhạc Hàn Quốc.

Thập niên 2000 - Thế hệ K-Pop thứ hai

Thế hệ thứ hai cũng là thế K-Pop hoàn toàn bùng nổ và trở thành trào lưu giới trẻ, đặc biệt là tại châu Á. Các nhóm nhạc Hàn Quốc lúc này thường tiến tới nhiều thị trường khác thay vì chỉ tập trung cho thị trường trong nước. Một số nước được các công ty giải trí nhắm tới là Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore...

Thời kỳ này cũng được coi như thời kỳ "bản hit liên tiếp bản hit" đến từ nhiều nhóm nhạc khác nhau như DBSK, Big Bang, Super Junior, SHINee, Beast, SNSD, T-ara, KARA... Thậm chí, dù bạn không phải fan của một nhóm nhạc thì chắc chắn bạn vẫn từng nghe qua các ca khúc của nhóm nhạc đó.

Văn hóa hâm mộ K-Pop và sự phát triển đáng kinh ngạc qua từng thế hệ - Ảnh 3.

Bóng bay cổ vũ đã được thay bằng lightstick trong các concert của nhóm nhạc K-Pop.

Đây cũng là lúc công nghệ phát triển hơn và bóng bay trong concert dần biến mất. Thay vào đó, người hâm mộ sử dụng gậy phát sáng gọi là lightstick để cổ vũ thần tượng. Một nhóm nhạc sẽ có một lightstick riêng mang màu sắc riêng của nhóm. Ngoài ra, các loại hàng hóa được ra đời để cổ vũ thần tượng ngày càng phong phú hơn. Thậm chí, hình ảnh của các thần tượng còn được sử dụng cho đồ dùng học tập, băng đô, quần áo... Người hâm mộ đều cố gắng để thu thập tất cả đồ dùng liên quan tới thần tượng của mình.

Văn hóa hâm mộ K-Pop và sự phát triển đáng kinh ngạc qua từng thế hệ - Ảnh 4.

Các cửa hàng bán đồ liên quan đến K-Pop ra đời với nhiều loại mặt hàng.

Thập niên 2010 - Thế hệ K-Pop thứ ba

Nếu như ở thế hệ K-Pop trước, người hâm mộ thường chỉ mua một album và sưu tầm đồ dùng liên quan đến thần tượng thì mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi ở thế hệ ba này.

Từ năm 2010 cho tới nay, văn hóa hâm mộ K-Pop đã bắt đầu với việc khán giả cố gắng mua nhiều album nhất có thể. Động thái này thực chất là để thu thập ảnh thẻ, ảnh bo góc của mọi thành viên hoặc cố gắng có được tấm ảnh hiếm nhất của thành viên mà họ yêu thích. Một lí do khác là những người hâm mộ muốn mang về thành tích cho thần tượng về mảng album vật lý. Đây là thước đo cho sự nổi tiếng của nhóm và cũng có thể đánh giá mức độ "chịu chi" của mỗi fandom.

Văn hóa hâm mộ K-Pop và sự phát triển đáng kinh ngạc qua từng thế hệ - Ảnh 5.

(Ảnh: Carousell)

Văn hóa hâm mộ K-Pop và sự phát triển đáng kinh ngạc qua từng thế hệ - Ảnh 6.

Một người hâm mộ có thể sở hữu nhiều bản album nhằm tìm kiếm chiếc ảnh thần tượng mà mình yêu thích nhất.

Thế hệ K-Pop thứ ba cũng chứng kiến sự thay đổi về mặt thành tích, điển hình là công cuộc "cày view". Văn hóa "cày view" này đã trở thành điều phổ biến. Các fandom ganh đua nhau về số lượt xem MV, số lượt nghe ca khúc của các nhóm nhạc, điển hình nhất là BLACKPINK với cộng đồng fan Blink và BTS với cộng đồng Army của mình.

Một điều mới mẻ nữa trong thời kỳ này là phương tiện truyền thông mạng xã hội. Những nền tảng trực tuyến giúp nghệ sĩ có thể giao lưu với người hâm mộ thông qua các ứng dụng chuyên biệt. Ngoài những hoạt động offline được tổ chức, những nghệ sĩ vẫn thường xuyên trò chuyện với fandom của mình mà không cần tốn quá nhiều công sức.

Thập niên 2020 - Sự bắt đầu cho một thế hệ K-Pop mới

Bắt đầu vào năm 2020, văn hóa hâm mộ tiến lên một tầm cao hơn toàn mới. Người hâm mộ có một kết nối đặc biệt với nghệ sĩ hơn do họ có thể ngắm nhìn thần tượng mỗi ngày thông qua các ứng dụng mạng xã hội. Thậm chí, khi COVID-19 bắt đầu tấn công, những sự kiện trực tuyến và sự kiện số ảo cũng được tổ chức nhằm thỏa mãn nhu cầu của khán giả đối với các nhóm nhạc K-Pop. Nhờ công nghệ và internet, những người hâm mộ và nghệ sĩ đến gần nhau hơn bao giờ hết.

Văn hóa hâm mộ K-Pop và sự phát triển đáng kinh ngạc qua từng thế hệ - Ảnh 7.

Hơn 2 năm kể từ khi thế hệ K-Pop thứ 4 ra đời, hiện vẫn còn là quá sớm để đưa ra thêm những bình luận, nhận xét về văn hóa hâm mộ. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy sự thay đổi và phát triển nhanh chóng trong thế giới K-Pop này. Người hâm mộ vẫn đang tiếp tục gây bất ngờ cho chính những nghệ sĩ bằng cách ủng hộ mới mẻ và độc đáo của họ. Đây cũng là điều tạo nên sự khác biệt của K-Pop với các thể loại âm nhạc khác. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước