Yêu – ghét trong mua hàng trực tuyến

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 17/05/2023 13:40 GMT+7

VTV.vn - Nếu chỉ vì yêu - ghét một cá nhân nào đó, hủy đơn, đặt hàng nhưng không nhận sẽ tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh trực tuyến.

Nhiều câu chuyện xảy ra trong quá trình mua bán trực tuyến. Người mua than phiền hàng hoá không đúng như quảng cáo, thậm chí lừa đảo. Người bán trách người mua thái độ thiếu đàng hoàng, đặt hàng qua mạng xã hội nhưng không nhận khi được giao, khiến cả bên bán và những người vận chuyển phải khổ sở. Kinh doanh trực tuyến phát triển, nhưng đi kèm với đó là muôn hình vạn trạng những tình huống ứng xử tuỳ tiện gây bức xúc.

Việc hàng được chuyển đến nhưng khách không nhận xảy ra khá thường xuyên. Điều này được chính khách hàng phản hồi lại với những người chuyển hàng như: đang ngồi điều hoà mát không ra ngoài lấy được, chỉ đặt cho "vui", thậm chí cả lí do khách đi đẻ không nhận hàng…

Mới đây, buổi livestream bán hàng của một tiktoker đình đám đã mang lại một kỷ lục mới. Không phải số người xem, không phải doanh số, cũng không phải doanh thu mà là số đơn hàng bị trả lại. Điều đáng nói, lý do không phải vì chất lượng sản phẩm, cũng không phải do người bán có vấn đề mà là do khách hàng không thích nhân vật livestream.

Đặt hàng rồi không nhận, nếu bởi chất lượng hàng hóa không đảm bảo, không như quảng cáo hay người bán không giữ đúng cam kết của mình thì sẽ góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến văn minh. Nhưng nếu chỉ vì yêu - ghét một cá nhân nào đó, hủy đơn, đặt hàng nhưng không nhận sẽ tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh trực tuyến. Khi ấy không ai biết sản phẩm tốt xấu thế nào, những người dùng sau có thể phải trải nghiệm hàng hóa từ cảm xúc yêu ghét của khách hàng trước.

Lỗ hổng trong quản lý

Chưa có tiền lệ nào khách hàng như vậy bị phạt hay xử lý hình sự, nếu có là bị nền tảng đánh giá và hạn chế một vài quyền lợi khi đặt hàng nếu có tiểu sử mua hàng không tốt hoặc hành vi phản văn hoá. Ngược lại cũng chưa có nhà bán hàng nào bị phạt khi cung cấp những mặt hàng không đảm bảo chất lượng. Tình trạng này vẫn tồn tại bởi có những lỗ hổng trong hành lang pháp lý quản lý kinh doanh trực tuyến.

Nghị định 52 năm 2013 về Thương mại điện tử chỉ đưa ra quy định đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, cụ thể là việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương.

Năm 2021, Nghị định 85 sửa đổi Nghị định 52 đã có quy định mở rộng hơn, đưa hoạt động bán hàng thông qua mạng xã hội vào phạm vi "Cung cấp dịch vụ sàn thương mại giao dịch điện tử". Tuy nhiên, Nghị định 85 lại quy định rằng mạng xã hội phải có hình thức tương tự như các website bán hàng hóa thì mới được coi là sàn giao dịch thương mại điện tử. Như vậy, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram,… vẫn không thuộc đối tượng điều chỉnh này.

Đến thời điểm hiện tại, chưa có quy định kinh doanh trực tuyến qua mạng xã hội phải đăng ký kinh doanh hay phải thực hiện bất kỳ việc đăng ký nào với Bộ Công Thương. Việc không có quy định về quản lý và không có chế tài xử phạt vi phạm là lỗ hổng pháp lý, có thể tạo ra nhiều lỗ hổng khác, trong đó lớn nhất có lẽ là về thuế và chất lượng sản phẩm.

"Theo tôi, trước mắt cần sửa đổi thêm điều 37, Nghị định 52, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch điện tử, đồng thời bổ sung trách nhiệm của người mua trên các trang mạng xã hội. Dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi sẽ được xem xét  thông qua, hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử trên không gian mạng, chắc chắn sẽ giúp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và giám sát các giao dịch đặc thù trên không gian mạng được cải thiện hơn nhiều", luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh  - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết.

Bên cạnh việc giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng thì thương mại điện tử, giao dịch mua bán thông qua không gian mạng cũng đi kèm với nhiều rủi ro như việc lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bán hàng giả, hàng nhái; thậm chí nảy sinh nhiều hành vi gian lận, lừa đảo.

Bên bán hàng khi đặt hàng từ nguồn, sẽ nhận được thông báo hàng đang "cháy", cần phải thanh toán trước để nhà cung cấp giữ đơn. Sau vài lần hàng được giao sau khi chuyển tiền, đến lần thứ "n"  - sau khi nhận được một khoản tiền chuyển khoản đặt hàng lớn, nguồn cung mất tích. Hoặc có nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, lợi dụng sơ hở trong quá trình thanh toán số để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước thực trạng như vậy, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để có thể tạo ra được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh,an toàn và có văn hoá cho tất cả đối tượng tham gia.

Người mua trực tuyến cần trang bị kỹ năng, kiến thức pháp luật và trách nhiệm để trở thành những người  tiêu dùng thông thái, người mua hàng văn minh. Còn người bán là thương nhân có đạo đức, làm ăn kinh doanh bền vững, không vì lợi ích nhỏ mà trục lợi, lừa đảo, xâm phạm quyền và lợi ích người tiêu dùng. Tất cả vì một môi trường kinh doanh trực tuyến an toàn, lành mạnh và có văn hoá.

Lợi dụng bán hàng trực tuyến để kinh doanh hàng giả Lợi dụng bán hàng trực tuyến để kinh doanh hàng giả

VTV.vn - Hơn 1.000 sản phẩm thực phẩm chức năng giả tại một cơ sở bán hàng trực tuyến tại Hà Nội đã bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước