Đàn đá, loại nhạc cụ cổ xưa nhất, được Unesco đưa vào danh sách các nhạc cụ trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tiếng đàn lúc như âm vang trầm hùng của núi rừng, lúc nghe thành thót như tiếng suối chảy. Tiếng đàn đá như thay cho lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của người dân bản địa. Trong những người đam mê nhạc cụ độc đáo này phải kể đến A Huynh, một người con của núi rừng Tây Nguyên.
Lúc xếp những hòn đá ngăn nước không cho xói lở rẫy, A Huynh nghe thấy âm thanh lạ phát ra từ những hòn đá bên bờ suối. Tiếng kêu thanh thoát, A Huynh bèn thử gõ vào đá và bất ngờ với những âm thanh phát ra. Cứ như vậy, A Huynh thử hết hòn đã này đến hòn đá khác. Mỗi hòn đá lại cho ra những âm thanh khác nhau. Vừa tò mò, thích thú, anh quyết định tìm kiếm các viên đá phù hợp và bắt tay vào chế tác những bộ đàn đá.
Một bộ đàn đá thường có từ 3 - 15 thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau được ghép lại để tạo ra những giai điệu âm thanh trầm bổng, thánh thót như tiếng suối chảy.
Để làm ra được một bộ đàn đá có âm thanh hay, A Huynh thường phải mất công đi dọc bờ suối để lựa chọn những viên đá, thanh đá phù hợp với bộ đàn của mình. Mỗi viên đá thường có âm thanh khác nhau nhưng qua đôi tai đặc biệt của mình, A Huynh biết viên đá nào phù hợp với bộ đàn đá để lựa chọn và mang về chế tác.
Nhờ nhạy cảm, giỏi thẩm âm và tìm tòi sáng tạo, A Huynh tự mày mò chỉnh sửa những viên đá cho đúng với yêu cầu của mình bằng cách đục đá. Cách thức đục, ghè đẽo những viên đá này khá tinh xảo và trau chuốt.
Không chỉ có niềm đam mê với đàn đá, A Huynh còn tự nghiên cứu và tìm hiểu để làm nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn T’Rưng, Ting Ning… Có những loại nhạc cụ từ lâu đã không còn sử dụng nhưng A Huynh vẫn có thể tự làm và chơi tốt các loại nhạc cụ đó như đàn Bro Bom hay đàn K’Ni.
Tình yêu, ngọn lửa đam mê với âm nhạc truyền thống trong A Huynh luôn bùng cháy. Nhờ có tình yêu đó mà âm nhạc truyền thống vẫn phát huy được nét đẹp của mình. Và cũng nhờ tình yêu đó mà những âm thanh của đàn đá, đàn Ting Ning, K’Ni hay những làn điệu dân ca vẫn vang mãi nơi núi rừng Tây Nguyên.
Nhìn những hòn đá ngoài thiên nhiên như thứ vô tri vô giác, nhưng bằng bàn khéo léo, tâm hồn nghệ sĩ, đá đã thành những nốt nhạc và để những nột nhạc vang lên từ đá mãi vang thì rất cần những người như anh A Huynh, để các loại nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên sẽ mãi được lưu giữ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!