Muội than (black carbon) có thể hiểu là một loại bụi. Và chỉ số chất lượng không khí (AQI) được tính toán dựa trên nồng độ của bụi mịn PM2.5, bụi thô PM10, các loại khí NO2, SO2, CO và O3. Muội than là một loại bụi, bao gồm cả kích cỡ bụi mịn 2.5 hay bụi thô PM 10. Ở Việt Nam, muội than xuất hiện với nồng độ đặc biệt cao trong những ngày người dân đốt rơm rạ, đốt rác, sử dụng bếp than tổ ong hay khi lưu lượng sử dụng ô tô xe máy cao.
Cách đây 1 - 2 ngày, Hà Nội vẫn đang trong một đợt ô nhiễm không khí cao điểm. Nhờ có cơn mưa rất to vào sáng 19/9, nồng độ chất gây ô nhiễm đã giảm xuống. Tuy nhiên, từ sáng sớm 20/9, trời không có mưa, lại có sương mù trở lại nên chỉ số ô nhiễm tăng theo giờ rất nhanh. Vào lúc 5h, chỉ số AQI đã tăng lên 102 và con số này tiếp tục tăng lên vào trưa nay, đạt 120. Trên toàn bộ thành phố Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí kém nhất là ở các trạm Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Hàng Đậu. Đây đều là những trạm được đặt tại những con phố hay các ngã ba, ngã tư có mật độ giao thông lớn, đông đúc, hay xảy ra tắc nghẽn và có nhiều công trình xây dựng.
Để bảo vệ bản thân trước tình trạng ô nhiễm không khí, người dân thường sử dụng khẩu trang. Tuy nhiên, loại khẩu trang y tế thông dụng theo suy nghĩ của nhiều người là có thể ngăn được vi khuẩn thì hoàn toàn có thể ngăn được bụi là không đúng. Chúng ta còn có một số biện pháp khác để bảo vệ sức khỏe. Theo đó, người dân nên tham khảo thông tin về chỉ số ô nhiễm không khí trên trang web moitruongthudo.vn của cổng thông tin quan trắc môi trường, UBND thành phố Hà Nội. Người dân nên lưu ý đến các thang màu cảnh báo, từ màu vàng trở lên là nhóm nhạy cảm cần phải hạn chế ở ngoài trời. Nhóm nhạy cảm này gồm: trẻ em, người già và phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp.
Riêng với đối tượng trẻ em, vì chiều cao trung bình của các em chỉ khoảng 1,2m, thấp hơn hẳn người lớn nên việc hít phải khói bụi ô nhiễm cũng nhiều hơn. Vì vậy, trong những ngày ô nhiễm không khí, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo hãy bế trẻ lên cao thay vì dắt bộ, không để các bé đứng phía sau ống xả xe máy hoặc ô tô. Để có một bầu không khí trong lành hơn, người dân hãy hạn chế dùng bếp than tổ ong, không đốt rác hay đốt rơm rạ. Ngoài ra, chúng ta hãy cố gắng hạn chế các phương tiện giao thông.
Được biết, các nhà khoa học Bỉ vừa tìm thấy dấu vết của muội than, những hạt ô nhiễm không khí trong bào thai. Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại. Thông tin này đã khiến nhiều người lo lắng. Khuyến cáo được đưa ra là phụ nữ mang thai nên tránh những con đường có lưu lượng xe cộ đông đúc. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe có thể có đối với những em bé đã phát hiện hạt ô nhiễm không khí trong bào thai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!