Tiêm phòng cho trẻ là một trong những việc cần thiết và bắt buộc, nhằm giúp trẻ phòng tránh nhiều bệnh nguy hiểm. Quan trọng hơn là tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Ngoài các mũi tiêm phòng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, như: lao, sởi, vaccine 5 trong 1…, nhiều phụ huynh hiện nay còn tiêm các mũi tiêm dịch vụ để phòng tránh nhiều bệnh khác. Trung bình từ 2 tháng tuổi cho đến 1 tuổi, trẻ có thể tiêm 1 - 2 mũi trong 1 tháng. Chính vì vậy, nắm vững các nguyên tắc an toàn sau tiêm là một điều hết sức cần thiết. Nhiều gia đình còn áp dụng các biện pháp dân gian để giúp trẻ giảm đau, sốt sau tiêm.
Tuy nhiên, để việc tiêm phòng an toàn, hiệu quả, cả gia đình và y, bác sĩ, kỹ thuật viên phải chú ý ngay từ trước khi tiêm cho trẻ, quan trọng nhất là khám sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm.
Trong quá trình tiêm, các kỹ thuật viên cần tuân thủ nguyên tắc 5 đúng:
- Đúng đối tượng;
- Đúng lịch tiêm;
- Đúng vaccine;
- Đúng liều lượng;
- Đúng đường sử dụng.
Phụ huynh khi cho con đi tiêm cũng cần lưu ý 5 nguyên tắc này, phối hợp, đối chiếu cùng kỹ thuật viên.
Thông thường, phụ huynh cần theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm về các dấu hiệu: tinh thần, ăn, ngủ, thở, nốt phát ban trên da, triệu chứng tại chỗ tiêm; chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ có các biểu hiện sốt cao liên tục, sốt trên 3 ngày, hoặc có bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Các biện pháp dân gian chỉ mang tính chất tham khảo, không mang lại hiệu quả tuyệt đối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!