Tiêm chủng đúng, đủ để phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ

Minh Đức, icon
02:36 ngày 15/01/2019

VTV.vn - Các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin ComBE Five chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, tuy nhiên đều nằm trong phạm vi khuyến cáo của WHO.

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, hiện trên địa bàn huyện có gần 1.000 trẻ đã được tiêm vaccine ComBE Five với 16% trẻ phản ứng sau tiêm, trong đó có 4 trẻ sốt cao. Tuy nhiên, các trẻ đã được điều trị kịp thời, sức khoẻ hiện đã ổn định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác tiêm chủng tại huyện Chương Mỹ và làm việc với thành phố về công tác phòng chống dịch, công tác tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội. Tiếp đoàn về phía Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Tại 2 Trạm y tế xã Phú Nghĩa và Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp kiểm tra sổ tiêm chủng, sổ ghi chép, các phần mềm quản lý tiêm chủng. Đồng thời, kiểm tra công tác khám phân loại, tư vấn, truyền thông, thực hành tiêm chủng. Vào sáng 9/1, tại 2 trạm y tế này có gần 100 trẻ được tiêm vaccine, trong đó có nhiều trẻ được tiêm ComBE Five.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 2/1/2019, Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm ComBE Five thay thế cho vaccine 5 trong 1 Quinvaxem. Đến hết ngày 8/1/2019, có 50% xã, phường của 15/30 quận, huyện triển khai tiêm cho hơn 5.700 trẻ, trong đó ghi nhận 180 trường hợp trẻ có phản ứng thông thường như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và đều trong phạm vi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế. Tuy nhiên, Hà Nội cũng ghi nhận 2 trường hợp ở huyện Quốc Oai và huyện Mê Linh phản ứng nặng hơn (ở mức độ 1) được đưa vào Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn điều trị, trong đó có trẻ phải thở ôxy, dùng thuốc kháng dị ứng, hiện tại các trường này đã được điều trị tốt và ổn định.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc tư vấn, dặn dò sau tiêm chủng đối với các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, quấy khóc kéo dài, tím tái, phát ban, ly bì... sau tiêm cần phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, tất cả các loại vaccine, cả thuốc điều trị đã tiêm vào người chắc chắn đều có phản ứng từ nhẹ đến nặng, thậm chí kể cả gặp phải trường hợp tử vong nhưng vẫn phải tiến hành tiêm. "Xác suất, tỷ lệ cứu sống người cao hơn nhiều so với tỷ lệ tai biến. Đó là nguyên tắc của y học và chúng ta phải vận dụng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục