Tin vào lời môi giới, năm 2014, vợ chồng ông Trần Thái Bạch (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã vay mượn 8.000 USD để được sang Angola làm việc. Trái với những hứa hẹn về một tương lai tươi đẹp, việc nhẹ, lương cao, vợ chồng ông bà đã phải trải qua một cuộc sống khốn khổ với không ít lần bị cướp tấn công, đe dọa tính mạng.
Đầu năm 2019, vợ chồng chị Lê Thị Hương Giang (phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã vay nóng 300 triệu đồng để đưa cho đối tượng môi giới với hy vọng sẽ được đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, sau gần 1 năm chờ đợi, anh chị bị mất số tiền này, nhà cửa phải bán để trả nợ mà công việc cũng chẳng thấy đâu.
Trong thời gian qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triệt phá nhiều chuyên án lừa đảo xuất khẩu lao động, lừa đảo chạy việc làm. Những đối tượng này đã sử dụng nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt để chiếm đoạt tài sản của người dân.
Trong khi đó, nếu người dân vẫn tiếp tục đi theo những đường dây trái phép, sống ngoài vòng pháp luật, rủi ro, nguy hiểm vẫn sẽ luôn chực chờ trên con đường tìm kiếm giấc mơ đổi đời. Thực tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hàng nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo con đường bất hợp pháp (lao động chui), trong khi việc kiểm soát xuất khẩu lao động còn nhiều kẽ hở, bất cập từ cơ sở pháp lý cho đến thực tiễn.
Nghị định 95 của Chính phủ quy định, lao động bất hợp pháp tại nước ngoài sẽ bị xử phạt 90 triệu đồng, nhưng khi triển khai, các cơ quan quản lý gặp nhiều bất cập, khó khăn vì chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để. Cả nước có 397 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu lao động với hàng nghìn chi nhánh, văn phòng. Hiện việc kiểm soát các cơ sở này đang gặp nhiều khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!