Theo biểu đồ, từ tháng 1 đến đầu tháng 4/2020, số ca nhiễm tính theo từng ngày tại Singapore chỉ là 1 vài đến hàng chục nhưng từ ngày 5/4 đến nay là 200 đến hơn 300 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Ngay trong ngày 14/4, Singapore có 334 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 3.252 người. Trong đó, 10 trường hợp tử vong. Có thể nói, Singapore đang trong thời khắc quan trọng kiểm soát dịch bệnh.
Yếu tố có phần gây bất ngờ và lo ngại nhiều nhất khi dịch COVID-19 lan tới các khu nhà tập thể của công nhân lao động nước ngoài, chủ yếu là công nhân xây dựng.
Có hàng trăm ngàn lao động nước ngoài như vậy ở Singapore và họ sống trong các khu nhà tập thể có mật độ dày đặc. Mỗi phòng có thể chứa tới cả chục công nhân và mỗi khu nhà chung cư như vậy chứa tới hàng chục ngàn người trong khi điều kiện vệ sinh cũng chưa thực sự được đảm bảo.
Các lao động ở các khu nhà khác nhau vẫn thường giao lưu và đi đến nhiều nơi công cộng như khu chợ Mustafa. Một khi dịch xảy ra tại đây mà không có biện pháp kiểm soát kịp thời, tình hình sẽ rất khó chống đỡ.
Thực tế hiện nay là như vậy. Có 14/43 khu nhà tập thể công nhân bị COVID-19. Chỉ riêng một khu nhà có tên S11 đã có tới 586 lao động nước ngoài bị nhiễm virus. Việc xuất hiện các ổ dịch tại các khu nhà ở chật hẹp, không bảo đảm vệ sinh của các công nhân thực sự là điều đáng lo ngại, nhất là với một nước có số lượng lớn lao động nước ngoài.
Có thể nói, việc Singapore hiện đang áp dụng cách ly xã hội trong 4 tuần hiện nay cũng chính bởi sự bùng phát COVID-19 ở các khu lao động nước ngoài này. Ngoài các biện pháp chung cách ly xã hội như giãn cách 1m, ra ngoài phải đeo khẩu trang, không tụ tập dưới mọi hình thức…, Singapore tập trung xử lý vấn đề COVID-19 tại các khu lao động nước ngoài với chiến lược 3 mũi nhọn:
- Kiểm soát lây lan tại khu nhà tập thể đã bị lây nhiễm: đóng cửa cách ly toàn bộ các khu này.
- Kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm tại các khu nhà tập thể mà hiện còn an toàn, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội như ở các khu cách ly.
- Chuyển các lao động làm trong các lĩnh vực thiết yếu mà cần phải đi làm việc tới các khu nhà khác. Toàn bộ lao động được kiểm tra y tế trước khi chuyển đến chỗ ở mới. Trong quá trình làm việc cũng phải áp dụng triệt để các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, ăn một mình, không tụ tập, khi về nhà là ở luôn ko ra ngoài.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cho triển khai các đội phản ứng nhanh đến các khu nhà trọ, trực 24/24h xử lý các vấn đề tại hiện trường; thiết lập các trạm y tế tiền tiêu tại đây để thăm khám sàng lọc sức khỏe của lao động.
Ngoài ra, chính phủ cũng yêu cầu các chủ lao động phải đảm bảo vệ sinh ăn uống, đảm bảo trả lương đầy đủ đúng hạn cho lao động nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!