Di chuyển hiện vật giấy khi phục chế phải có giá đỡ, không để các dụng cụ lên bề mặt hiện vật, trước khi đưa ra quyết định phương án phục chế cần lấy thông tin cụ thể, chính xác về kích thước, tình trạng hư hại của hiện vật… Những điều tưởng đơn giản đó lại là các yếu tố đạo đức nghề nghiệp mà chuyên gia phục chế hiện vật giấy Monika Schneidereit-Gast muốn các cán bộ bảo tàng Việt Nam trân trọng khi bảo quản, phục chế các hiện vật.
“Chúng tôi sẽ tập trung chú trọng vấn đề đạo đức nghề nghiệp cho các học viên trong quá trình đưa ra quyết định tu sửa, bảo quản hiện vật giấy. Bởi họ phải trân trọng hiện vật như thế nào khi phải xử lý các vấn đề như nấm mốc, làm sạch hiện vật chẳng hạn, nếu không sẽ làm hỏng hiện vật” - bà Monika Schneidereit-Gast - Chuyên phục chế hiện vật giấy người Đức cho biết.
Nhiều tài liệu, sách, tranh trên giấy ở Việt Nam dễ bị hoen ố, bị rách do thời tiết hay côn trùng… Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia người Đức đã giúp nâng cao kỹ năng bảo quản, phục hồi các hiện vật bị hư hại. Thay vì hồ dán thông thường, họ đã được học cách điều chế tinh bột mì làm hồ dán chuyên dụng để tránh nguy cơ giấy bị côn trùng gặm nhấm sau khi phục chế. Đặc biệt, chuyên gia đã truyền đạt kỹ năng mà các học viên đang còn yếu như dán giấy bị rách, bóc tách băng dính trên hiện vật giấy.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!