Việt Nam có 70% dân số là nông dân và nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực. Những năm gần đây, nhu cầu nước ngọt cho ngành nông nghiệp ở Việt Nam và cả thế giới nói chung đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước đang phải đối mặt với tình trạng suy kiệt. Để giải quyết vấn đề này, một câu hỏi cấp bách được đặt ra hiện nay là chúng ta cần làm gì để sử dụng, quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước cho lĩnh vực nông nghiệp?
Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán khốc liệt nhất trong 10 năm qua. Hậu quả của nó là nguy cơ mùa màng thất thu, chăn nuôi gặp khó khăn và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Nước đang là vấn đề cấp thiết không chỉ với riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhu cầu sử dụng nước trong ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện chiếm 70-80% tổng nhu cầu sử dụng nước cho tất cả các mục đích. Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam sẽ cần khoảng 36 triệu tấn thóc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 130 triệu người vào năm 2035. Để đạt được sản lượng này, cần có khoảng 30 tỉ m3 nước cho canh tác sản xuất. Như vậy có thể thấy áp lực lên tài nguyên nước là rất lớn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Lâm, Chuyên gia Tài nguyên nước phân tích: "Tài nguyên nước của Việt Nam không phải là dồi dào, chúng ta có 63% nguồn nước sản sinh ở nước ngoài, nguồn nước trong nội địa chỉ chiếm gần 40%. Hiện nay ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn chưa áp dụng các công nghệ tiết kiệm nước, trừ một số cây trồng cạn như café, cây ăn quả, nhưng như cây lúa vẫn sử dụng rất nhiều nước".
Để sản xuất được 1kg gạo, cần tiêu thụ 3.500 lít nước; để sản xuất 1kg thịt bò, cần tiêu thụ 15.000 lít nước. Trước đây chúng ta chỉ nhìn nhận nước dùng trong nông nghiệp chủ yếu để phục vụ nhu cầu tưới tiêu, tuy nhiên sau quá trình tưới tiêu để cho ra sản phẩm, các khâu tiếp theo như bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ… sản phẩm cũng vẫn cần có nước. Đó là cách tính “dấu chân nước” của một sản phẩm, tức là tổng lượng nước ngọt được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để sản xuất ra sản phẩm đó.
Bà Trần Minh Phượng, Chương trình UN-REDD Việt Nam cho biết: "Nếu như mình có được sự tính toán cho ngành nào, sản phẩm nào sử dụng nhiều "dấu chân nước" thì chúng ta sẽ có định hướng cho việc phát triển hay không phát triển ngành đó. Ví dụ chúng ta đang trồng café xuất khẩu, nhưng để có 1 tách café chúng ta uống mỗi sáng thì mất tới 140 lít nước. Điều đó có nghĩa là chúng ta càng xuất khẩu nhiều café thì chúng ta sẽ càng sử dụng nhiều nguồn nước ở trong đất nước chúng ta. Như vậy chúng ta đang xuất khẩu nước ra nước ngoài mà không hề biết".
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy kiệt nguồn nước, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức. Vì vậy, quản trị bền vững nguồn tài nguyên nước sẽ là nhiệm vụ lâu dài với nông nghiệp Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.