Đồ sơn mài của Myanmar, đồ gốm của Nhật Bản, mặt nạ các vị thần Nepal… nằm trong số 200 hiện vật được giới thiệu trong trưng bày Một thoáng châu Á tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Những hiện vật này đã tự nói lên những nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc trong châu Á, với sự đa dạng về chủng loại, chất liệu và loại hình.
Sinh viên Tạ Phương Thảo nhận xét: ‘Hiện vật trưng bày ở đây rất đẹp, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của từng vùng. Em ấn tượng nhất với đồ gốm của Nhật Bản, bởi nó khác với đồ gốm của Việt Nam, đồ gốm Chăm của Việt Nam không có được lớp men tráng bóng như của Nhật Bản’.
Vào năm 2005, với mong muốn người châu Á phải hiểu người châu Á hơn, giáo sư người Nhật Bản Kaneko Kazushige đã trao tặng 560 hiện vật cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Từ năm 1948, Giáo sư Kaneko đã tiến hành gần 400 chuyến thực địa để nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và hiện vật về hình thức tạo hình của các dân tộc ở châu Á. Sau 10 năm chuẩn bị và bổ sung, bộ sưu tập đã được giới thiệu tới công chúng.
Giáo sư Kaneko Kazushige, Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học loại hình châu Á cho rằng: ‘Bảo tàng là nơi tất cả mọi người đều có thể vào tham quan, tìm hiểu, tôi mong rằng các bảo tàng của mỗi quốc gia ở châu Á không chỉ trưng bày hiện vật của đất nước mình, mà hãy giới thiệu cả những hiện vật của các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines… Như vậy, mối quan hệ giữa nhân dân các nước sẽ ngày càng được thắt chặt’.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!