Quyền im lặng không có nghĩa là Quyền không nói gì

Khánh Vân - Chu Chỉnh (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ năm, ngày 17/09/2015 16:26 GMT+7

VTV.vn - Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần hiểu một cách chính xác về nội hàm của quyền này. Theo đó, Quyền im lặng không có nghĩa là Quyền không nói gì.

Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua trong Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 diễn ra vào tháng 10 năm nay, hiện dự luật này vẫn đang trong quá trình trưng cầu ý kiến. Trong các ý kiến đóng góp, Quyền im lặng là một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, đó cũng là nội dung chính của Hội thảo “Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung - Tác động đa chiều” do Hội Luật gia Hà Nội vừa tổ chức.

Trong thời gian gần đây, những cuộc thảo luận trong các phiên họp Quốc hội về Quyền im lặng trong tố tụng hình sự đã dẫn đến nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, những tranh cãi này bắt nguồn từ việc hiểu chưa chính xác về nội hàm của quyền này. Theo đó, Quyền im lặng không có nghĩa là Quyền không nói gì.

Trung tướng Trần Văn Độ, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng: “Thực ra Quyền im lặng là quyền của một người không bị buộc phải khai báo để chống lại mình. Thứ hai, người bị buộc tội có quyền có người bào chữa để giúp đỡ trong quá trình khai báo và bào chữa cho mình. Thứ ba, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải giải thích, nếu không có sự cảnh báo đó thì lời khai báo đó là không có giá trị chứng minh”.

Trên cơ sở này, các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, việc công nhận Quyền im lặng trong tố tụng hình sự tại Việt Nam là cần thiết, nhằm chống án oan sai và đảm bảo đến mức cao nhất quyền con người của người bị buộc tội. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên vấn đề là có nên luật hóa Quyền im lặng hay không và luật hóa như thế nào.

GS. TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam phát biểu: “Ở thời điểm này, chúng ta đặt vấn đề luật hóa Quyền im lặng là vấn đề rất cần thiết, tuy nhiên nên giữ bản chất của vấn đề đó ở trong luật, còn tên gọi nên tìm một cụm từ thích hợp hơn để tạo sự đồng thuận hơn”.

TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Tôi e rằng, nếu quy định một cách cụ thể như thế thì sẽ cản trở việc nhận tội của một tội phạm nào đó cụ thể. Theo tôi biết, hiện không có nhiều nước quy định cụ thể vấn đề này, nhưng người ta suy ra từ các quyền nhân quyền khác”.

Trước mắt, việc đưa quyền im lặng vào trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự vẫn là vấn đề đang được tranh luận. Tuy nhiên, nếu được luật hóa, thì việc thực thi Quyền im lặng cũng sẽ gặp phải thách thức từ nhiều phía.

Theo dự kiến, nếu dự thảo được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ chính thức được áp dụng trong năm 2016. Đến nay, cơ quan soạn thảo đã hoàn thành dự thảo với 468 điều, trong đó có 284 điều sửa đổi và 132 điều bổ sung mới.

Quyền im lặng có được đưa vào luật? Quyền im lặng có được đưa vào luật?

Nếu một nghi phạm bị bắt, tạm giữ, tạm giam trong khi chưa có luật sư đóng vai trò làm chứng cho lời khai trước cơ quan điều tra thì có quyền được im lặng hay không?

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước