Thách thức già hóa dân số Việt Nam

Thu Hiền - Chu Chỉnh (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ năm, ngày 01/10/2015 09:29 GMT+7

VTV.vn - Theo dự báo, cơ cấu dân số vàng mà Việt Nam đang sở hữu sẽ nhanh chóng chuyển sang cơ cấu dân số già chỉ trong vòng 15-20 năm nữa.

Già hóa dân số được đánh giá là một thách thức lớn của Việt Nam trong những năm tới, đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi.

Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10, phóng viên THVN đã có cuộc trò chuyện với bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Việt Nam là nước có quy mô dân số thứ 13 trên thế giới và thứ 8 ở châu Á, với tốc độ già hóa đang diễn ra rất nhanh. Xin bà cho biết nguyên nhân và thực trạng già hóa dân số Việt Nam và già hóa ở Việt Nam có gì đặc biệt so với các nước khác?

Đầu tiên cần phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện các chính sách giảm sinh trong 50 năm qua. Tỉ lệ sinh giảm cùng với đó là tuổi thọ của người dân tăng cao nhờ những thành tựu về y tế và mức sống được cải thiện, đã góp phần gia tăng tỷ lệ người cao tuổi trong dân số Việt Nam. Quá trình già hóa dân số ở Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2011 với 10% dân số trên 60 tuổi. Điều đáng chú ý là già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra với tốc độ rất nhanh so với các nước khác, dự báo chỉ trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già. Trong khi đó, già hóa dân số ở các nước khác thường diễn ra trong 40 đến 50 năm, thậm chí gần 100 năm.

Thưa bà, vậy đâu là những thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong bối cảnh già hóa dân số nhanh như hiện nay?

Có rất nhiều thách thức. Đầu tiên là gánh nặng về chi phí y tế đối với người già. Theo khảo sát, mỗi người già ở Việt Nam chịu 9 năm bệnh tật trong đời, đó là một thách thức lớn đối với ngành y tế và toàn xã hội. Ngoài ra, mô hình gia đình truyền thống ở Việt Nam đang thay đổi, ngày càng nhiều người già sống một mình. Hệ thống bảo trợ xã hội và chế độ an sinh hưu trí cũng là một vấn đề lớn. Tuy nhiên hiện nay quỹ bảo trợ xã hội của Nhà nước rất hạn chế, chỉ các cụ già hơn 80 tuổi mới mới nhận được trợ cấp. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam khá sớm, nữ là 55 tuổi và nam là 60 tuổi. Sẽ có rất nhiều việc phải làm để giúp người cao tuổi sống khỏe mạnh, năng động và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Bà đánh giá thế nào về những nỗ lực và chính sách của Việt Nam trong chăm sóc người cao tuổi và ứng phó với già hóa dân số?

Chúng tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tình hình và đã có nhiều hành động về mặt chính sách và thực tiễn để cải thiện chính sách đối với người cao tuổi, chuẩn bị đối mặt với già hóa trong thập kỉ tới. Tuy nhiên, nhiều chính sách hiện hành vẫn chưa thực sự hiệu quả, khả năng tiếp cận còn kém. Ví dụ, hệ thống hưu trí hiện nay chủ yếu tập trung vào khu vực Nhà nước, trong khi khu vực phi chính thức chiếm tới 63% lực lượng lao động, đóng góp tới hơn 30% GDP. Ngay từ bây giờ, Chính phủ Việt Nam cần phải bắt đầu một kế hoạch hành động, quy định tuổi hưu linh hoạt hơn, có chính sách khuyến khích sự tham gia của tư nhân trong việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và thúc đẩy cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát, cải thiện và phát triển các chính sách đối với người cao tuổi. Ngoài ra, chúng tôi triển khai những dự án cụ thể giúp thúc đẩy chăm sóc và tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi tại cộng đồng, thông qua các mô hình thí điểm tại tỉnh Hải Dương và Bến Tre, nhằm mang lại phúc lợi tốt hơn cho người cao tuổi, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Xin cảm ơn bà!

Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam

VTV.vn - Việt Nam đang là một trong số các quốc gia già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước