Năm 2016, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, tuy nhiên đến nay di sản văn hóa này vẫn còn khá xa lạ với nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ. Tại buổi tọa đàm, nhiều sinh viên đã bày tỏ sự thích thú và tò mò về nghi thức thờ Mẫu Tam phủ, nhưng hầu như những bạn trẻ còn rất lạ lẫm với loại hình nghệ thuật truyền thống này.
"Mình chỉ biết sơ qua thôi, là cái này mới được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới"; "Mình mới chỉ biết hầu đồng đã được UNESCO công nhận là một trong những di sản phi vật thể, ngoài ra thì mình cũng không biết rõ nhiều lắm về hầu đồng", hai trong số các bạn trẻ được hỏi cho biết.
Đi sâu làm rõ giải pháp cho vấn đề này trong phần tọa đàm, các diễn giả đánh giá rằng: Báo chí và truyền thông giữ một vai trò quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất trong việc giúp công chúng hiện đại hiểu đúng về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Tiến sỹ Uhm Seung Yong - Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc nói: "Nhiều người có thể nghĩ những giá trị mà kinh tế mang lại sẽ quan trọng hơn giá trị của những di sản này, nhưng như vậy là không chính xác. Ở Hàn Quốc, báo chí và truyền thông phải giúp công chúng thay đổi suy nghĩ và quan niệm của mình về những giá trị văn hóa tuyệt vời này".
Có thể thấy rằng, truyền thông cần tham gia ngay từ bước hình thành tư duy và hiểu biết đúng đắn cho công chúng về các loại hình di sản truyền thống nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng. Giúp khán giả trẻ nhận thức được những giá trị ẩn sâu trong các tầng lớp văn hóa lâu đời bằng cách tiếp cận văn minh và hiện đại của các nhà báo trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!