Kết luận tại Việt Nam không có ổ dịch thiên nhiên hoang dã, mà chỉ tồn tại ổ dịch thứ phát vùng dân cư hay "ổ dịch gần người" là rất quan trọng với chiến lược chống bệnh dịch hạch ở Việt Nam, giúp Việt Nam có biện pháp đấu tranh với bệnh dịch hạch cũng như xây dựng các học thuyết tiến hóa của mầm dịch hạch, đóng góp vào kiến thức y văn thế giới. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học khác của các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cũng đã và đang được ứng dụng trong thực tế để chữa bệnh cho con người.
Phòng điều trị oxy cao áp tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Hà Nội là một mô hình ứng dụng khoa học vào điều trị y khoa, chữa bệnh của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Từ những năm đầu thành lập, Trung tâm đã nhận chuyển giao từ Nga công nghệ và ứng dụng liệu pháp oxy cao áp vào thực hành y tế tại Việt Nam trong phục hồi sức khỏe và phối hợp điều trị bệnh. Hiện nay, các phòng điều trị oxy cao áp của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga tại Hà Nội và TP.HCM hàng năm chữa trị hơn 10.000 lượt bệnh nhân. Oxy cao áp điều trị đặc hiệu các bệnh như ngộ độc khí CO (carbon monoxide), giảm áp của thợ lặn và phi công, nhiễm trùng kỵ khí. Phương pháp này còn có hiệu quả điều trị cao cho nhiều bệnh khác.
Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã nghiên cứu hậu quả y sinh học lâu dài của chất độc chất độc da cam – dioxin đối với sức khỏe con người, nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm peptide điều hòa sinh học do LB Nga sản xuất trong điều trị nhiều đối tượng, trong đó có Cựu chiến binh đã từng bị tác động của chất da cam - dioxin.
Đặc biệt, phối hợp với phía Nga, Trung tâm đã xây dựng phòng phân tích dioxin, phục vụ đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc da cam - dioxin ở Việt Nam tại Phân viện Hóa - Môi trường. Trên 6.000 mẫu dioxin/furan, 5.000 mẫu các chất tương tự dioxin, chất da cam, kim loại nặng và các chất độc hại khác đã được phân tích tại đây. Phân viện Hóa - Môi trường đã tiết kiệm cho đất nước hàng triệu USD khi so sánh phân tích ở nước ngoài.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Viện Nghiên cứu dịch tễ Trung ương Nga và các cơ sở nghiên cứu trong nước nghiên cứu cúm gia cầm H5N1, sốt mò (tsutsugamushi), lao kháng thuốc, sốt xuất huyết. Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới có ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!