Xóa đói nghèo là mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) đầu tiên mà Việt Nam đạt được, nhưng một số nội dung cụ thể thì vẫn chưa hoàn thành. Đói nghèo vẫn phổ biến ở khu vực vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, kết thúc 15 năm thực hiện MDGs, Việt Nam đã có bước đi đón đầu, thể hiện cam kết tới cùng trong việc xóa nghèo bền vững. Đó là quyết định của Thủ tướng Chính phủ về gắn việc thực hiện MDGs với đồng bào dân tộc thiểu số với Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
Với 100% dân số là dân tộc Mông, huyện Trạm Tấu nằm trong 64 huyện nghèo được Nhà nước hỗ trợ để giảm nghèo nhanh và bền vững theo chương trình 30A. Ở những xã vùng cao như Xà Hồ, giải pháp đầu tiên là hướng dẫn bà con cách làm ăn mới.
Bà Sùng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xà Hồ - huyện Trạm Tấu - tỉnh Yên Bái cho biết: “Hàng năm chúng tôi vận động hội viên kết hợp trồng ngô với trồng lúa hai vụ, nuôi thêm bò, dê để thoát nghèo, vận động con cháu đi học, khi ốm đau phải đưa đi khám ở bệnh viện và kiểm tra ngay”.
Tuy nhiên số hộ người Mông gọi là đủ ăn, đủ mặc không nhiều. Tính đến tháng 6 năm nay, cả xã Xà Hồ có 520 hộ dân thì 335 hộ nghèo - chiếm hơn 50%, có 52 hộ được ghi nhận thoát nghèo nhưng thực tế khả năng trở lại nghèo đói khá cao. Đa phần bà con ở đây không biết chữ, sinh đẻ và chữa bệnh còn theo phong tục lạc hậu, những điều này làm cho thành quả giảm nghèo chưa bền vững.
Quyết định được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/9 đặt ra chỉ tiêu mỗi năm phải giảm được 3-4% tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số, cùng với đó là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em và xóa mù chữ ở nữ giới. Được đưa ra đúng thời điểm kết thúc 15 năm thực hiện MDGs, LHQ hoan nghênh và đánh giá cao bước đi này của Chính phủ Việt Nam.
Bà Prahtiba Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá: “Đây là quyết định rất quan trọng, là minh chứng điển hình cho việc Việt Nam tự chủ và đảm bảo không một người dân nào bị bỏ lại trong quá trình phát triển - nội dung đầu tiên của kế hoạch phát triển bền vững sau năm 2015. Kế hoạch này tập trung vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, đem tới cơ hội bình đẳng về giáo dục và y tế, bình đẳng giới và việc làm. Quyết định này của Thủ tướng sẽ giúp phân bổ lại nguồn lực, vốn, công nghệ cho những vùng sâu, vùng xa với lộ trình thực hiện và các mục tiêu rất chi tiết, từ đó giải quyết vấn đề một cách triệt để”.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!