Sản phẩm gỗ Việt Nam đang gặp nhiều rào cản khi nhập khẩu vào EU. (Ảnh: Báo Nhân dân)
Kế hoạch hành động thực thi lâm luật, quản trị rừng và lâm sản của EU (FLEGT) là quy định bắt buộc với các đối tác xuất khẩu gỗ vào thị trường EU. Một trong những yêu cầu khắt khe mà FLEGT đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh tính hợp pháp của gỗ ở mọi khâu trong quy trình sản xuất. Điều này không dễ dàng với phía Việt Nam, khi mà đa số các doanh nghiệp đang ở quy mô vừa và nhỏ, phương thức sản xuất còn manh mún. Để giải quyết vấn đề này, phía châu Âu đã xây dựng bộ công cụ FLEGT giúp các công ty Việt Nam chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Tại buổi tập huấn về bộ công cụ FLEGT có sự tham gia của rất nhiều công ty lâm sản, sản xuất gỗ mỹ nghệ, gỗ gia dụng hàng đầu ở miền Bắc hiện nay. Có công ty đã là nhà cung cấp của những tập đoàn gỗ rất lớn ở châu Âu như IKEA, Woodland, cũng có nhiều công ty chưa từng làm ăn với đối tác nước ngoài bao giờ, nhưng điểm chung là họ đều hiểu rất rõ thị trường EU có nhiều quy định khắt khe. Bộ công cụ FLEGT đem lại lợi ích là câu hỏi chung của các doanh nghiệp.
Bà Ann Weddle, Cố vấn trưởng Dự án Tăng cường năng lực thực hiện FLEGT - Tổ chức NEPCon tại Việt Nam cho biết: “Với kinh nghiệm của NEPCon đã làm việc tại thị trường EU, nhiều doanh nghiệp ở đây đòi hỏi các đối tác phải chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp để họ tuân thủ quy định gỗ của EU, vì vậy những nhà cung cấp tại Việt Nam nếu hiểu được FLEGT và đáp ứng các yêu cầu này, họ sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn. Tôi tin rằng qua đó các công ty Việt Nam có thể tăng doanh thu của mình vì họ có phương thức sản xuất chuyên nghiệp hơn”.
Bằng phần mềm và phương thức quản lý chuyên nghiệp, bộ công cụ này được cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp, giúp họ thu thập thông tin, cung cấp bằng chứng về nguồn gốc hợp pháp của gỗ ở mọi khâu trong quy trình sản xuất. Đây là một phần trong dự án Nâng cao năng lực cho các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam thực hiện FLEGT, thực hiện trong ba năm (từ 3/2014 đến tháng 3/2017), với số vốn 450.000 Euro do EU tài trợ, đối tượng hưởng lợi là các công ty chế biến, sản xuất và xuất khẩu gỗ, các làng nghề, hiệp hội gỗ và các tổ chức phi chính phủ.
Sau khi áp dụng thử nghiệm ở 15 doanh nghiệp, bộ công cụ FLEGT sẽ được nhân rộng ra 300-500 doanh nghiệp trên toàn quốc. Hiện không chỉ EU mà nhiều nước như Mỹ, Australia hay Hàn Quốc cũng áp dụng quy định tương tự như FLEGT. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ được quy trình quản lý chuyên nghiệp này sẽ là điều kiện thuận lợi để thâm nhập thành công vào thị trường của nhiều quốc gia khác.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.