Cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nơi đây tập trung rất nhiều tàu cá của người dân. Tuy nhiên, chủ tàu không trực tiếp đánh bắt mà giao cho thuyền trưởng. Trước kia, tàu đánh bắt ở đâu, họ rất khó kiểm soát. Nhờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, họ chỉ cần dùng một chiếc điện thoại thông minh là đã biết tàu cá của mình đang đánh bắt trên vùng biển nào. Tuy nhiên, vẫn còn ít ngư dân chịu lắp đặt thiết bị này.
Đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh còn hơn 1.000 tàu cá đánh bắt xa bờ chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân mà ngư dân không thích lắp đặt thiết bị hành trình được lý giải là giá thành cao. Mỗi bộ dao động từ 20 đến 40 triệu. Trong khi đó, việc đánh bắt trên biển ngày càng khó khăn do ngư trường ngày càng cạn kiệt. Nhưng một lý do khác mà nhiều ngư dân không tiện nói ra là lắp thiết bị giám sát hành trình họ sẽ không thể sang ngư trường nước khác đánh bắt trái phép. Nhưng nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng này thì ngành thuỷ sản nước ta khó lòng được liên minh Châu Âu tháo gỡ thẻ vàng. Thuỷ sản đánh bắt cũng không thể xác nhận, chứng nhận nguồn gốc. Vì vậy mà tỉnh Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.
Ngoài việc vận động để ngư dân hiểu được giá trị, tác dụng của thiết bị giám sát hành trình mà tự giác chấp hành, UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu lực lượng bộ đội biên phòng không cho các phương tiện ra biển hoạt động khi chưa lắp đặt thiết bị theo quy định./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!