Hiện nay, các tỉnh ven biển đang tập trung tuyên truyền, đốc thúc ngư dân thực hiện quy định này. Tuy nhiên, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn với tiến độ khá chậm. Tại tỉnh Kiên Giang, địa phương có lượng tàu cũng như số vụ vi phạm khai thác hải sản trái phép lớn của cả nước, một doanh nghiệp có 6 tàu đánh bắt hải sản, mỗi tàu đều có chiều dài trên 24m. Theo quy định, tất cả phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2 chiếc được lắp đặt. Mới đây chủ tàu lại có ý định tháo bỏ thiết bị.
Sản lượng đánh bắt giảm 30 - 40%, chi phí liên tục tăng, trong khi tình trạng ngư phủ lấy tiền rồi bỏ trốn vẫn chưa được giải quyết, hiệu quả của các chuyến ra khơi không cao, do đó việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng làm gia tăng gánh nặng cho ngư dân. Nhiều tàu đã gắn thiết bị giám sát hành trình nhưng một số chiếc trong nhiều tháng nay không ra khơi do bà con lo ngại khả năng thua lỗ.
Đến thời điểm này, có khoảng 1.800 trong tổng số gần 4.000 tàu trên 15m của tỉnh Kiên Giang đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đặc biệt, còn hơn 100 tàu dài trên 24m chưa triển khai. Đây cũng là những phương tiện sẽ bị xử phạt ở mức tối đa 1 tỷ đồng từ ngày 5/7.
Theo lộ trình, chủ tàu có chiều dài trên 15m phải hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát trước ngày 1/1/2020. Ngoài tuyên truyền, vận động, tỉnh Kiên Giang kiên quyết cấm tàu thuyền chưa gắn định vị, chưa đăng ký, đăng kiểm ra khơi. Đây là việc làm cần thiết giúp minh bạch nguồn gốc hải sản của Việt Nam, hướng đến tháo thẻ vàng của EC.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!