1. Công trường Mê Linh
Ảnh tư liệu: Sau năm 1963/Flynariel’s
Ảnh hiện tại: 2020/ Minh Sơn
Công trường Mê Linh là một vòng xoay giao thông nằm ở quận 1, kế cận công viên bến Bạch Đằng. Công trường được thiết kế hình bán nguyệt, ở giữa có một hồ nước nhân tạo từ đầu thập niên1960.
Năm 1967, tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo, cao 6m đứng trên bệ tượng hình lăng trụ tam gia cao gần 10m, do Phạm Thông thiết kế đã được đặt từ vị trí này.
Trước Tết Nguyên Đán 2019, phía trước tượng còn có một lư hương để người dân thờ cúng, nhưng nay đã dời về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo ở đường Võ Thị Sáu, Quận 1.
2. Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ
Ảnh tư liệu: Những năm 1969 -1970/ Không rõ tác giả ảnh
Ảnh hiện tại: 2020/ Minh Sơn
Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ,trước là Đại lộ Nguyễn Huệ, được coi là 1 trong 5 đại lộ đầu tiên được người Pháp xây dựng ở Sài Gòn.
Ban đầu, đây là con kênh đào mang tên Kinh Lớn, sau đó người Pháp cho lấp hoàn toàn để xây dựng đường lớn mangtên Đại lộ Charner.
Năm 2015, TP.HCM khánh thành công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ, dài 670m rộng 64m. Phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành nơi tham quan,vui chơi, giải trí của nhiều người dân thành phố.
3. Khu vực chợ Bến Thành
Ảnh tư liệu: Không rõ năm chụp/ Bill Flora
Ảnh hiện tại: 2020/ Minh Sơn
Bùng binh Quách Thị Trang được người Pháp xây dựng song song với chợ Bến Thành, do nhà thầu Brossard et Maupin - khởi công xây dựng từ năm 1912 đến tháng 3/1914 thì hoàn tất. Đây là một biểu tượng của đô thị Sài Gòn, gắn bó với nhiều thế hệ người dân.
Năm 2014,nhằm phục vụ thi công nhà ga metro Bến Thành, TP.HCM quyết định phá bỏ vòng xoay Quách Thị Trang, bến xe buýt được dời sang đường Hàm Nghi, tượng đài Trần Nguyên Hãn di dời về bảo quản tại công viên Phú Lâm (quận 6).
Nhà ga Trung tâm Bến Thành hứa hẹn sẽ trở thành biểu tượng mới của thành phố.
4. Cầu Mống
Ảnh tư liệu: 1955/Raymond Cauchetier
Ảnh hiện tại: 2020/ Minh Sơn
Cầu Mống bắc qua kênh Tàu Hủ, nối quận 1 và quận 4, là một trong những cây cầu cổ xưanhất còn sót lại ở TP.HCM. Cầu do công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư và công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công vào năm 1893-1894.
Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông - Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, cầu được tháo dỡ hoàn toàn, sau khi công trình này hoàn tất thì cầu được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật.
Hiện cây cầu này là một địa điểm quen thuộc dành cho người đi bộ, chụp ảnh cưới và ngắm cảnh về đêm.
5. Cầu Ông Lãnh
Ảnh tư liệu: trước năm 1965/ Không rõ tác giả ảnh
Ảnh hiện tại: 2020/ Minh Sơn
Cầu Ông Lãnh nối liền hai bờ quận 1 và quận 4, giữ một vị trí quan trọng trong giao thương của Sài Gòn – TP.HCM xưa và nay.
Theo học giả Trương Vĩnh Ký, cầu do tướng Lãnh Bình Thăng, thuộc thế hệ đầu tiên kháng chiến chống Pháp, cho xây dựng. Ban đầu được làm bằng gỗ, đến năm 1929, ngườiPháp cho xây lại bằng xi măng, dài 120m. Sau khi thành lập cầu, chợ Cầu Ông Lãnh cũng được thành lập. Bên kia kênh là những kho muối và mắm chở từ Bạc Liêu, nên lập thêm một khu chợ gọi là chợ Cầu Muối.
Nay cầu Ông Lãnh mới dài 256 m, là cây cầu dài nhất bắc qua rạch Bến Nghé.
6. Cầu Chữ Y
Ảnh tư liệu: 1968/ Bộ sưu tập của Terry Wilund
Ảnh hiện tại: 2020/ Minh Sơn
Cầu chữ Y được thi công vào ngày 13/12/1938 và chính thức hoàn thành vào ngày 20/8/1941,do Công ty Công xưởng và Công trình công chính (Pháp) đảm trách.
Cầu bắc qua kênh Bến Nghé và kênh Tẻ, có ba nhánh như một chữ Y lớn: nhánh Nguyễn Biểu,nhánh Nguyễn Thị Tần và nhánh Hưng Phú. Tổng chiều dài các nhánh là hơn 490m. Cầu chữ Y xây dựng hết 800 tấn thép và 4.000 m3 bê-tông.
Cầu được nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992.
Cầu mang trọng trách lớn trong việc "gánh vác" mật độ giao thông lớn, nối liền trục giao thông ở cửa ngõ phía Tây-Nam thành phố.
7. Cầu Chà Và
Ảnh tư liệu: 1955/ Raymond Cauchetier
Ảnh hiện tại: 2020/ Minh Sơn
Cầu Chà Và bắc qua kênh Tàu Hủ, là cầu thông thương giữa quận 8 và quận 5 với bề dày lịch sử hơn 100 năm.
Vào giữa thế kỷ 19, có nhiều thương nhân Ấn Độ đến làm ăn tại đây. Để thuận lợi cho việc thông thương, người Ấn đã đóng góp tiền để xây dựng cầu.
Lúc ấy, người ta thường gọi người Ấn (hoặc một số chủng dân có sắc da ngăm đen như người Indonesia, người Mã Lai…) là người Chà Và. Nhưng nguồn gốc của Chà Và lại xuất phát từ tên đảo Java ở Indonesia, được đọc trại ra, rồi chỉ luôn những người ngoại quốc đến Việt Nam, có màu da ngăm đen như người Ấn.
Năm 2006, cầu Chà Và ngưng hoạt động 2 năm để tháo dỡ làm mới để triển khai dự án đại lộ Đông Tây. Năm 2009, cầu mới được hoàn thành và thông xe trở lại.
8. Cầu Tân Thuận
Ảnh tư liệu: 1969/ Không rõ tác giả ảnh
Ảnh mới: 2020/ Minh Sơn
Cầu Tân Thuận 1 nối đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) với đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7).
Cầu Tân Thuận 1 được xây dựng từ thời Pháp thuộc năm 1905, sau khi đào kênh Tẻ. Cầu dài 241m, lòng cầu rộng 8m, mỗi lề 1,25 m. Cầu được sửa chữa lớn năm 1992 vànăm 2005.
Để giảm tải áp lực cho cầu Tân Thuận 1, năm 2005 Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng cầu Tân Thuận 2. Hiện nay, để kéo dài tuổi thọ, cầu Tân Thuận 1 chỉ cho phép xe lưu thông từ quận 7 sang quận 4.
9. Nhà thờ Đức Bà
Hình in – những năm 70
Hình chụp – 13/8/2020/ Hương Nguyễn
Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của thành phố, điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1877 và hoàn thành năm 1880 theo lối kiến trúc Roman và Gôtich. Kiến trúc sư Jules Bourad (người Pháp) là người thiết kế và trúng thầu trong việc xây dựng. Toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của công trình được xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, không bám bụi rêu, đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi.
Từ khi xây dựng tới nay, nhà thờ đã trải qua ba cuộc trùng tu vào 1895, 1903 và 1959.
Đến năm 2015, Tòa Tổng giáo mục TP.HCM quyết định thực hiện cuộc đại tu nhà thờ, khởi công chính thức ngày 29/6/2017, dự kiến đến cuối 2023 sẽ hoàn thành.
10. Bưu điện trung tâm Sài Gòn
Hình in –những năm 70
Hình chụp– 13/8/2020/ Hương Nguyễn
Bưu điện trung tâm Sài Gòn là một trong những ví dụ đẹp nhất về kiến trúc Phục hưng ở Việt Nam.
Tòa nhà được người Pháp xây dựng trong khoảng năm 1886–1891 với phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí phương Đông theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Bên ngoài, phía trước tòa nhà trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện.
11. Khách sạn Continental
Hình in – 1965-1966 bởi John Hansen
Hình chụp – 12/8/2020/ Hương Nguyễn
Từ Bưu điện trung tâm Thành phố đi dọc con đường Đồng Khởi sầm uất chừng 5 phút sẽ tới Continental – khách sạn cổ nhất Việt Nam.
Năm 1878, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và đồ dùng trang trí người Pháp, ông Pierre Cazeau, đã khởi công xây dựng "Hotel Continental" làm nơi lưu trú sang trọng theo đúng phong cách châu Âu cho người Pháp khi đến Việt Nam. Sau 2 năm xây dựng, năm 1880, "Hotel Continental" chính thức đi vào hoạt động.
Khách sạn Continental được xem như khách sạn cổ nhất Việt Nam, đã tiếp đón nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới như nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (Nobel Văn học năm 1913), văn hào Pháp André Malraux, văn hào Anh Graham Greene. Chính tạiphòng 214 của khách sạn là nơi nhà văn Graham Greene cho ra đời tác phẩm "Quiet American", đã được chuyển thể thành phim năm 2002 với tựa đề Việt là "Người Mỹ Thầm Lặng". Continental cũng hiện diện trong nhiều cảnh quay chính của bộ phim"Đông Dương" - bộ phim đoạt 2 giải Oscar và Quả cầu vàng năm 1993.
Năm nay, Continental kỉ niệm 140 năm hình thành và phát triển
12. Trụ sở Uỷ ban Nhân dân Thành phố
Hình in – 1968 bởi Brian Wickham
Hình chụp – 13/8/2020/ Hương Nguyễn
Trụ sở UBND TP.HCM được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế. Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hôtel de ville trong tiếng Pháp hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt.
Công trình được thiết kế mô phỏng từ tòa thị chính Paris theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp, với phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái đăng đối. Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục Hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau...
Từ 30/4/1975 đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của UBND TP.HCM và vẫn còn giữ nguyên kiến trúc thời trước 1975.
13. Chợ Bình Tây
Hình in - những năm 70
Hình chụp – 12/8/2020/ Hương Nguyễn
Chợ Bình Tây từng được mệnh danh là ngôi chợ "đồ sộ, quy mô hiện đại bậc nhất ở Nam Kỳ lúc bấy giờ".
Chợ Bình Tây còn được gọi là Chợ Mới Lớn, do thương gia Quách Đàm xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ XX để tặng cho thành phố Chợ Lớn(Quận 5, Quận 6 ngày nay). Đây là nơi mưu sinh của hơn 2.000 tiểu thương. Chợ được nâng cấp, sửa chữa toàn diện từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2018.
Hiện, chợ có hơn 2.300 sạp hàng, mỗi năm có khoảng 120.000 khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm.
Ảnh trong bài chụp bởi nhiều tác giả và lấy từ kho ảnh của tài khoản Flickr manhhai
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!