87% phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 23/05/2023 13:38 GMT+7

VTV.vn - Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm còn cao hơn Ấn Độ, Campuchia hay Bangladesh.

Tại SEA Games 32, đội tuyển nữ Việt Nam đã đi vào lịch sử với tấm huy chương Vàng môn bóng đá nữ lần thứ 4 liên tiếp. Bên cạnh những lời khen ngợi, trên các bài đăng, một bộ phận cư dân mạng đã để lại những bình luận cợt nhả, thô tục nhắm đến hình thể các cô gái, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Đây không phải là lần đầu tiên những người phụ nữ trở thành mục tiêu của những hành vi đùa cợt quá đà, mang hàm ý quấy rối một cách công khai như vậy. Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%, con số này thậm chí còn cao hơn Ấn Độ, Campuchia và Bangladesh. Ở một quốc gia luôn đề cao và trân trọng giá trị truyền thống lại có con số phản ánh một thực tế đáng buồn.

Nhiều người hồn nhiên cho rằng những lời nói, hành động của mình khi bình luận về cơ thể của người khác chỉ là trò đùa vui. Vậy cần làm rõ như thế nào là quấy rối tình dục?

Theo khoản 9, Điều 3, Bộ luật Lao động 2019, điều 84 Nghị định 14 năm 2020 quy định rõ, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Quấy rối tình dục ngoài xã hội, trong đó có quấy rối tình dục trên không gian mạng thì hiện tại Việt Nam và trên thế giới chưa có khái niệm hay định nghĩa cụ thể. Tuy nhiên, quấy rối tình dục trên không gian mạng được hiểu là hành vi tình dục có tác động tiêu cực đối với nạn nhân trên bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào dù là công khai hay riêng tư. Đây được công nhận là một hình thức của bạo lực tình dục. Dù là hình thức nào thì các hành vi quấy rối tình dục vẫn luôn khiến các nạn nhân bị tổn thương, ám ảnh và gây ra nhiều hệ lụy.

Các nạn nhân bị quấy rối tình dục gần như không có sự phản kháng hoặc có sự phản kháng yếu ớt. Theo thống kê, chỉ hơn 20% số người bị quấy rối có phản ứng và 1,5% nói với gia đình, bạn bè, 11% báo với người thẩm quyền còn lại lựa chọn im lặng. Điều này làm cho những kẻ quấy rối tiếp tục các trò đùa vô văn hóa của mình mà không nghĩ rằng đó là hành vi trái đạo đức, thậm chí trái pháp luật.

Phong trào Me too bắt đầu từ Mỹ vào năm 2017 và lan rộng ra nhiều nước, đã tiếp thêm sức mạnh để các nạn nhân chỉ mặt vạch tên những kẻ tấn công, lạm dụng và khiến họ chịu đựng các vết sẹo tinh thần. Không khoan nhượng với các hành vi quấy rối tình dục, những lời nói, hành động phản văn hóa trong cuộc sống và cả trên mạng xã hội. Chỉ khi chúng ta lên tiếng để thay đổi nạn quấy rối tình dục trong thực tại thì tương lai con em chúng ta mới có thể sống trong môi trường an toàn và lành mạnh hơn.

Bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội - Ranh giới mong manh giữa lời trêu đùa và sự quấy rối Bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội - Ranh giới mong manh giữa lời trêu đùa và sự quấy rối

VTV.vn - Khi những bình luận khiếm nhã trở thành thói quen của nhiều người dùng nấp sau màn hình điện thoại, nạn nhân có thể là bất kỳ ai trong chúng ta.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước