An sinh xã hội cho phụ nữ di cư

Ánh Kim, Đức Tiến-Thứ ba, ngày 26/12/2023 11:46 GMT+7

VTV.vn - Phụ nữ di cư là nhóm đối tượng được đánh giá là dễ bị tổn thương và còn gặp khó khăn trong tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội.

Theo nghiên cứu được Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam công bố vào tháng 10/2023, Việt Nam có số lượng người di cư quốc tế lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Phụ nữ tham gia lực lượng lao động, làm kinh tế và gửi tiền về khi đi làm ăn xa đã và đang làm thay đổi nhận thức về vai trò giới và phụ nữ di cư. Tuy nhiên, đây là nhóm đối tượng được đánh giá là dễ bị tổn thương và còn gặp khó khăn trong tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, như chính sách về việc làm hay bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chồng đi làm xa, hơn 10 năm nay, chị Trang một mình lên Hà Nội làm giúp việc theo giờ. Chỉ thuê 1 phòng trọ 6 m2 để ở, ăn uống tiết kiệm nhưng số tiền kiếm được mỗi tháng cũng chỉ đủ gửi về quê để ông bà lo cho 3 con nhỏ ăn học. Không có tiền tích lũy, chị Trang cũng dần lo về an sinh khi càng lớn tuổi, khả năng lao động càng giảm.

Chị Trang chia sẻ: "Tôi đã tìm hiểu về bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng chưa biết phải đóng ở đâu, đóng ở chỗ nào. Tôi chỉ biết là những người có thu nhập thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện".

An sinh xã hội cho phụ nữ di cư - Ảnh 1.

Gần 60 tuổi, bà Soi (tỉnh Nam Định) đã có 28 năm làm việc ở Hà Nội. Trước đây, bà Soi đi làm phụ công trình nhưng khoảng 3 năm nay, sức khỏe giảm sút nên bà chuyển sang thu gom đồng nát. Bà cho biết, tiền kiếm được ngày nào biết ngày đấy chứ không tính được xa.

"Tôi chưa nghe thấy bảo hiểm xã hội tự nguyện bao giờ. Giờ chỉ biết đi đồng nát, được năm nào nữa thì đi rồi thì về. Biết làm thế nào bây giờ, mai sau về già thì lúc ấy hẵng tính" - bà Soi nói.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, lao động di cư phi chính thức chiếm khoảng 70% lực lượng lao động tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Việc tiếp cận các chính sách an sinh vẫn còn hạn chế, đặc biệt là lao động nữ.

Với nhóm lao động nữ di cư, bà Ngô Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết, cần hơn nữa các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, giúp người lao động có được việc làm với mức thu nhập ổn định. Điều này giúp người lao động được tiếp cận các chính sách an sinh, đặc biệt là khi đau ốm, về già.

Ðể đáp ứng những dịch vụ an sinh xã hội thiết yếu và bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ di cư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa nhóm lao động này vào đối tượng điều chỉnh của một số đạo luật như: Bộ luật Lao động, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm để giúp cho phụ nữ di cư được tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước