Không chỉ được biết đến trong sách giáo khoa, tên tuổi của ông đã được dùng để đặt cho nhiều trường học, tên đường trên cả nước. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang La Văn Cầu.
Mỗi ngày 2 buổi sáng sớm và chiều tối, người dân tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội đều bắt gặp hình ảnh một cụ ông ngoài 90 tuổi quét dọn, làm sạch đường phố. Ông chính là Anh hùng La Văn Cầu vang bóng một thời đã đi vào sử sách.
Sớm mồ côi cha từ nhỏ do bị thực dân Pháp bóc lột, năm 1948, theo lời kêu gọi của Tổ quốc, chàng trai La Văn Cầu khi ấy mới 16 tuổi nhưng đã xung phong lên đường đánh giặc. Tuy còn trẻ nhưng ý chí căm thù của ông ngút trời, quyết chí lên đường trả thù nhà, đền nợ nước.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu tại nhà riêng. Ảnh: TTXVN
Tháng 9/1950, quân ta mở trận đánh cứ điểm Đông Khê. Chiến sĩ La Văn Cầu cùng đồng đội nhận nhiệm vụ phá hàng rào và lô cốt, mở đường cho quân ta tiến lên tiêu diệt quân địch. Trong lúc làm nhiệm vụ, cánh tay phải và một bên má của ông đã trúng đạn.
Đại tá, Anh hùng LLVTND La Văn Cầu kể lại: "Cánh tay của tôi lủng lẳng rồi, rất là vướng. Tôi chỉ còn cách là chặt đi, nhưng bản thân mình chặt không được nên tôi nhờ đồng chí Tiểu đội trưởng Nông Văn Pheo chặt giúp. Ban đầu đồng chí Nông Văn Pheo bảo không được, cậu về thôi để người khác làm vì đồng chí biết tôi là gia đình con một. Nhưng mà tôi đã quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Trái tim còn đập, còn chiến đấu".
Chiến công của chiến sĩ trẻ La Văn Cầu khi ấy trở thành một hiện tượng, một tấm gương sáng. La Văn Cầu được Bác Hồ khen. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất, ông được vinh dự là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!