Khu vực gần chợ Tam Kỳ được phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Dân trí)
Ngày 10/8, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản đề nghị Tổng cục DS-KHHGĐ hỗ trợ phương tiện tránh thai cho người dân của địa phương này do chịu nhiều ảnh bởi dịch COVID-19.
Trong văn bản nêu rõ: "Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch COVID-19 nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nhưng vì đại dịch nay dẫn đến thất nghiệp, khó khăn chồng chất; thậm chí nhiều gia đình không có khả năng mua phương tiện tránh thai sử dụng để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn".
Văn bản của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam gửi Tổng cục DS-KHHGĐ hỗ trợ phương tiện tránh thai cho người dân (Ảnh: Dân trí)
Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam mong muốn Tổng cục DS-KHHGĐ hỗ trợ phương tiện tránh thai (rất cần que cấy, tiêm thuốc tránh thai, vòng tránh thai...) để cấp cho tất cả đối tượng người dân không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh bởi dịch COVID-19. Văn bản đề nghị của Chi cục DS-KHHGĐ cũng nêu rõ việc này nhằm giúp người dân tiếp tục được sử dụng phương tiện tránh thai an toàn, nhằm góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chuyên môn DS-KHHGĐ năm 2020 được Tổng cục DS-KHHGĐ giao.
Trả lời phỏng vấn Dân trí về vấn đề này, ông Phan Đình Nhân - Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam - lý giải do nguồn kinh phí mua các phương tiện tránh thai lớn nhưng nguồn kinh phí của tỉnh Quảng Nam còn khó khăn nên Chi cục cần thêm nguồn kinh phí hỗ trợ. Theo ông Nhân, nguồn chi phí này lên tới 4 tỷ đồng.
Trao đổi với Zing, ông Nhân cho biết việc xin hỗ trợ là do tỉnh Quảng Nam có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao (17%). Ngoài ra, theo Thông tư 26 của Bộ Tài chính, đối tượng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai rất ít (hộ nghèo, cận nghèo), trong khi nhu cầu của người dân lại cao.
Liên quan đến đề nghi của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam, trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay: "Thực ra tỉnh không phải thiếu những cái đó. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc cách ly xã hội đưa đến việc khó tiếp cận dịch vụ chứ không phải khó do không có nguồn cung ứng".
Nhấn mạnh về mục đích ký văn bản đề nghị này, ông Phan Đình Nhân nói nếu được cấp thì cho người dân, mục đích là giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn.
Quảng Nam là một trong những địa phương đang "căng mình" chống dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Sáng 11/8, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định phong tỏa tạm thời 2 khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn TP Tam Kỳ là tổ 19, khối phố 2 phường Phước Hòa (17 hộ dân, 54 nhân khẩu) và chợ Vườn Lài, khối phố 5, phường An Sơn (20 hộ sinh sống, 195 hộ kinh doanh, buôn bán).
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Quảng Nam ghi nhận 83 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 5 ca đã bình phục và 4 ca tử vong. Các ca tử vong đều là những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!