Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh là tuyến cuối, chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 (Ảnh: Dân trí)
Kể từ khi phát hiện ca dương tính là bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, tính đến chiều nay (6/5), qua xét nghiệm sàng lọc, kết quả đã có tổng cộng 50 ca mắc COVID-19 từ ổ dịch này tại 15 tỉnh/thành phố. Trong đó, có 41 ca tại 14 địa phương, gồm: Yên Bái (1 ca), Vĩnh Phúc (5 ca), Thái Bình (3 ca), Sơn La (1 ca), Quảng Ninh (1 ca), Phú Thọ (4 ca), Nam Định (1 ca), Bắc Giang (1 ca), Hải Dương (7 ca), Hải Phòng (2 ca), Hòa Bình (1 ca), Hưng Yên (2 ca), Lạng Sơn (1 ca), Hà Nội (9 ca, ở huyện Đông Anh, Sóc Sơn, quận Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và quận Ba Đình). Bắc Ninh liên quan nhiều nhất với 11 trường hợp dương tính, cư trú ở các huyện Lương Tài, Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành và TP Bắc Ninh.
Trước số ca mắc vẫn có thể còn trong cộng đồng, Bộ Y tế đã ra thông báo khẩn, đề nghị tất cả bệnh nhân cùng người nhà đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 từ ngày 14/4 đến ngày 4/5 cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn theo dõi sức khỏe và hỗ trợ y tế. Sáng nay (6/5), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 đã trở lại khám chữa bệnh bình thường, sau 1 ngày tạm dừng để khử khuẩn.
Trong hơn 1 năm qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân mắc COVID-19 chưa có trường hợp nào tử vong, dù nhiều ca bệnh nặng. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định đây là thành trì của ngành y tế trong điều trị các bệnh nhân COVID-19 và đặc biệt điều trị các bệnh nhân nặng. Về việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để xảy ra lây nhiễm các ca bệnh COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, qua phân tích theo đánh giá có thể là lây giữa các khoa trong bệnh viện và cũng có thể lây từ người nhà bệnh nhân.
Không chỉ ở Việt Nam, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã đặt các nhân viên y tế trên toàn thế giới và gia đình họ vào mức độ nguy hiểm chưa từng có. Theo số liệu của nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, các nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19 với tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức độ toàn dân nói chung. Thậm chí kể cả các nước phát triển, nơi mà đội ngũ y tế được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ thì cũng không tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân.
Rủi ro lớn đối với nhân viên y tế chống dịch
Mexico là quốc gia có số nhân viên y tế tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với khoảng 3.000 người. Khi đại dịch COVID-19 tấn công nước này cách đây hơn 1 năm, tất cả đội ngũ y tế nước này đã phải gồng mình chống dịch và căng thẳng hơn rất nhiều nước khác trong khu vực. Bởi nước này có số lượng nhân viên y tế trên tổng số dân rất thấp và là nước có tỷ lệ thấp nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải và các bác sĩ luôn phải làm việc hết công suất trong khi nguy cơ lây nhiễm COVID-19 luôn rình rập bất cứ lúc nào.
Cô Lourdes Garcia - y tá - cho biết: "Lúc đầu chúng tôi luôn lo sợ sẽ bị lây nhiễm COVID-19 và lây cho gia đình mình. Mặc dù đã được trang bị kỹ càng nhưng một số đồng nghiệp của chúng tôi đã không tránh khỏi nguy cơ bị lây nhiễm trong quá trình điều trị cho bệnh nhân và thậm chí có người còn tử vong do COVID-19".
TS. Martin Antonio Manrique - Giám đốc Bệnh viện Juarez - cho hay: "Chúng tôi luôn cố gắng để bảo vệ các nhân viên y tế. Chúng tôi không thể để bất cứ nhân viên nào điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 mà không có trang thiết bị bảo vệ cần thiết. Nhưng vẫn có các nhân viên bị lây nhiễm, điều này là không thể tránh khỏi".
Theo thống kê sơ bộ của Tổ chức Y tế Thế giới, đội ngũ nhân viên y tế chiếm chưa đầy 3% dân số ở hầu hết các nước và chưa tới 2% dân số ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, song họ chiếm khoảng 14% trong tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận. Thậm chí ở một số nước con số này còn lên tới 35%.
Ít nhất 17.000 nhân viên y tế trên toàn cầu đã tử vong do COVID-19 trong hơn 1 năm qua. Tính ra trung bình cứ 30 phút lại có một nhân viên y tế tử vong do COVID-19.
Trước những con số báo động trên toàn thế giới về lượng lớn các nhân viên y tế nhiễm bệnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros đã kêu gọi các nước cần phải bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch. Bởi nếu không ưu tiên bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế, nhiều người cũng sẽ chết vì những người có thể cứu sống chúng ta cũng đang lâm bệnh.
Chúng ta đã có bài học lây nhiễm chéo trong bệnh viện tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và bây giờ là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và trong quá trình chăm sóc người bệnh, chỉ lơ là hay không cẩn thận đều có thể lây bệnh. Rút kinh nghiệm từ bài học lây nhiễm chéo bệnh viện, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra nhiều giải pháp phòng ngừa, tuy nhiên ý thức của mỗi nhân viên y tế là điều quyết định.
Bài học kinh nghiệm phòng lây nhiễm chéo tại bệnh viện
Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, trước đây mỗi bệnh nhân sẽ có một người nhà, thậm chí vài người chăm sóc. Rút kinh nghiệm việc lây chéo trong bệnh viện từ vụ dịch trước, bệnh viện đã triển khai chăm sóc toàn diện: giảm tối đa người nhà chăm sóc bệnh nhân, thay vào đó là nhân viên y tế. Công tác chống nhiễm khuẩn được đặt lên hàng đầu.
Để tránh lây nhiễm chéo từ các trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19, bệnh viện đã ứng dụng công nghệ trong theo dõi sức khỏe bệnh nhân. Với nhân viên y tế phải tuân các quy định trong phòng chống dịch, đơn giản như kỹ năng đeo khẩu trang.
Bệnh viện đã huấn luyện các kỹ năng chống nhiễm khuẩn, lây chéo trong bệnh viện, kể cả kỹ năng đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ, tháo ra như thế nào để đảm bảo không lây nhiễm cho bản thân.
Bệnh viện Bạch Mai dù mỗi ngày có hàng nghìn người đến khám nhưng tất cả đều được sàng lọc rất kỹ. Những người có biểu hiện sốt, ho và đi từ vùng dịch về sẽ được đưa về khu sàng lọc khép kín được thành lập bên ngoài khu điều trị nội trú.
Bệnh viện Bạch Mai đã được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho 1.000 nhân viên y tế.
Đã có 15 tỉnh/thành phố ghi nhận có ca mắc COVID-19. Bệnh viện của các tỉnh thành cũng là những mắt xích yếu cần phải bảo vệ. Ví dụ từ một bệnh viện sản khoa, nơi đội ngũ thầy thuốc vừa phải tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch, vừa phải có biện pháp bảo vệ sản phụ để các em bé chào đời "mẹ tròn con vuông".
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại cơ sở y tế
Với tinh thần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã lập chốt kiểm soát, phân luồng bệnh nhân, thiết lập khu vực khám, điều trị cách ly và đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tới từng người bệnh.
Bệnh viện đã bố trí nhân viên y tế đón tiếp, hướng dẫn trong suốt quá trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân ngoại trú. Trường hợp đặc biệt cần có người thân đi cùng phải khai báo y tế, sát khuẩn tay, thực hiện nghiêm các quy định trong quá trình đưa người bệnh đi khám, chữa bệnh. Các vị trí ghế ngồi được giãn cách, đảm bảo khoảng cách tối thiểu khi bệnh nhân ngồi chờ.
Còn với trường hợp điều trị nội trú chỉ được 1 người thân ở lại chăm sóc. Người nhà không được ở lại phòng điều trị trong thời gian bác sĩ, điều dưỡng làm công tác chuyên môn.
Dịch bệnh sẽ được khống chế và kiểm soát tốt nếu mỗi bệnh viện, mỗi người dân và cả cộng đồng nâng cao ý thức phòng dịch một cách tích cực và chủ động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!