Quy mô đào tạo giáo dục nghề nghiệp tăng giúp cho gần 30% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao hiện nay vẫn chưa đáp ứng được ngay nhu cầu thực tế của thị trường lao động doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh đầu tư nước ngoài, trực tiếp nước ngoài đang hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí, điện, điện tử. Cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa đào tạo, tuyển dụng.
Theo bác cáo mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, nhận định tỷ lệ lao động có chứng chỉ và văn bằng tăng dần, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước về quốc tế.
"Hiện nay, nhiều dòng đầu tư nước ngoài đang vào Việt Nam đã tạo thêm cơ hội việc làm cho người Việt Nam để có thể gia nhập với những doanh nghiệp mới, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thứ hai, khi thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng lao động, có rất nhiều người lao động hiện chưa đáp ứng được với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trước đây, với mỗi yêu cầu tuyển dụng, số lượng người ứng tuyển tương đối thấp, chỉ khoảng vài chục người, đến nay, số lượng người ứng tuyển cao lên gấp đôi nhưng chưa chắc doanh nghiệp đã tuyển dụng được, bởi tiêu chí tuyển dụng của họ cao hơn trước đây rất nhiều", bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Navigos Search chia sẻ.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Navigos Search chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp
Bên phía đại diện tuyển dụng đã cho thấy nhu cầu tuyển dụng rất lớn từ phía nhà đầu tư nước ngoài với dòng đầu tư vào Việt Nam. Với các ngành công nghiệp chủ lực, trong đó có cả ngành dầu khí, trường Đại học Dầu khí Việt Nam và Cao đẳng Dầu khí Việt Nam đều đào tạo kỹ sư và thợ phục vụ cho các nghề, cho ngành dầu khí.
"Trường Đại học Dầu khí Việt Nam cùng Viện Dầu khí Việt Nam và trường Cao đẳng Dầu khí là ba đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được tập đoàn đầu tư quản lý, với sứ mệnh và nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tập đoàn, phục vụ trách nhiệm xã hội và cộng đồng. Thời gian qua, trường Đại học Dầu khí Việt Nam đã có các ngành đào tạo đặc thù chuyên về dầu khí như ngành kỹ thuật địa chất, địa, vật lý, dầu khí, ngành khoan, khai thác kỹ thuật vũ khí và ngành kỹ thuật hóa học là lọc, hóa dầu. Bên cạnh đó, trường Đại học Dầu khí Việt Nam có thêm các ngành đào tạo về thạc sĩ từ 3 chương trình đào tạo đại học và ngành công trình biển. Đồng thời, trường Đại học Dầu khí Việt Nam có hợp tác với Học viện Mỏ và Công nghệ New Mexico Tech của Mỹ để xây dựng chương trình liên kết đào tạo với 3 chương trình đào tạo như trên, với mô hình hai cộng hai và được Học viện New Mexico Tech cấp bằng", Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Dầu khí Việt Nam cho biết.
Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Dầu khí Việt Nam chia sẻ về chương trình đào tạo của trường
Theo T.S Phan Minh Quốc Bình, hiện nay, tất cả các chương trình đào tạo của trường Đại học Dầu khí Việt Nam được công nhận theo kiểm định chất lượng của Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ và hệ thống giáo dục của trường Đại học Dầu khí Việt Nam cũng được công nhận, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình đào tạo, hệ thống chất lượng giáo dục của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với trường Cao đẳng Dầu khí Việt Nam, có các ngành đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng. Trong đó, hệ cao đẳng có một số ngành đang tuyển sinh là ngành sửa chữa các thiết bị chế biến dầu khí, thiết bị liên quan tới tự động hóa, vận hành nhà máy nhiệt điện, vận hành các thiết bị liên quan đến khai thác dầu khí và điện công nghiệp. Trường Cao đẳng Dầu khí cũng đạt được chứng chỉ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hoạt động nghiên cứu thực tế được chú trọng trong đào tạo, giảng dạy
Hệ thống giáo dục của trường Đại học Dầu khí Việt Nam cũng được công nhận, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được công nhận theo kiểm định chất lượng của Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ
"Mặc dù nguồn nhân lực của thị trường đang thiếu hụt. Tuy nhiên, không vì thế mà nhà tuyển dụng tuyển dụng những sinh viên không đáp ứng được nhu cầu của họ. Tại trường Đại học Dầu khí Việt Nam và trường Cao đẳng Dầu khí Việt Nam, hầu như 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có được việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp. Đối với trường Đại học Dầu khí Việt Nam, nhiều trường hợp sinh viên trong quá trình làm luận văn tốt nghiệp, các em đã có việc làm đến 60 – 70% rồi", T.S Phan Minh Quốc Bình cho biết thêm.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, không phải trường đại học, cơ sở đào tạo nào ở Việt Nam cũng có thể làm tốt công tác liên lạc giữa nhà trường và doanh nghiệp, hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp cần gì và cần phải đào tạo chất lượng như thế nào để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và tìm cơ hội cho sinh viên. Các doanh nghiệp cũng đang chủ động trong việc tiếp xúc với các nhà trường. Tuy nhiên, nhiều trường lại không có đủ mức độ chủ động trong việc tiếp xúc với các doanh nghiệp.
Cũng theo T.S Phan Minh Quốc Bình, đối với chương trình đào tạo của một trường đại học, chuẩn đầu ra rất quan trọng. Sinh viên khi đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo mới được tốt nghiệp. Do vậy, việc xây dựng mối quan hệ chuẩn đầu ra như thế nào để gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, trường Đại học Dầu khí Việt Nam luôn gắn kết với doanh nghiệp để xây dựng các chương trình chuẩn đầu ra, khi sinh viên của trường tốt nghiệp, đáp ứng được ngay nhu cầu thị trường của người lao động. Đồng thời, sinh viên hoàn toàn tự tin hướng tới môi trường công việc mới.
Trường Đại học Dầu khí Việt Nam luôn gắn kết với doanh nghiệp để xây dựng các chương trình chuẩn đầu ra, khi sinh viên của trường tốt nghiệp, đáp ứng được ngay nhu cầu thị trường của người lao động
"Với tính khắt khe và tính đặc thù của ngành dầu khí, trường Đại học Dầu khí Việt Nam đã phối hợp, tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo. Thứ hai, sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, đi làm tại các doanh nghiệp, trường cũng thường xuyên khảo sát, lấy ý kiến đánh giá từ doanh nghiệp để phản hồi lại chất lượng sinh viên của mình. Từ đó, trường sẽ xác định lại những điểm còn thiếu, còn hạn chế để cải tiến chương trình đào tạo. Muốn làm được điều đó, đội ngũ giảng viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức, nhà trường phải đầu tư đồng bộ và cập nhật liên tục cơ sở vật chất theo sự thay đổi của nhu cầu thị trường", T.S Phan Minh Quốc Bình chia sẻ.
Đào tạo và tuyển dụng tại chỗ đang là hướng đi được nhiều trường nghề kết hợp với các doanh nghiệp nhằm thu hút người học tốt hơn trong những ngành nghề mà các doanh nghiệp đang thực sự khát nhân lực. Theo đó, các chương trình tuyển sinh, đào tạo sẽ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Do đó, thí sinh sau khi tốt nghiệp đã có nơi tiếp nhận để vào làm việc.
"Nhà nước định hướng thu hút đầu tư từ ngành nào, sẽ cần phải có cơ chế đào tạo hoặc mở thêm các cơ sở đào tạo cho các ngành đó. Nhà nước cần đưa ra định hướng đối với các cơ sở giáo dục và đưa ra các cơ chế giúp các đơn vị đào tạo có cơ chế phối hợp với nhà trường tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường, họ đến lắp đặt hệ thống máy móc tại trường học. Sau đó, họ đào tạo sinh viên theo chương trình của họ và kết hợp với kiến thức của nhà trường. Ngoài việc có cơ chế thông thoáng, nhà nước đóng vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường", bà Ngô Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động có trình độ
"Doanh nghiệp cũng có cơ sở vật chất của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp thiếu giảng viên, những người có thể truyền đạt kiến thức. Trường đại học có thể bổ sung nguồn nhân lực, bổ sung sinh viên, còn doanh nghiệp bổ sung cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu. Quản lý nhà nước có đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở, quy chế, quy định,… Sự phối hợp này giữa ba bên là tối ưu được nguồn lực, có nghĩa là doanh nghiệp không cần phải đầu tư nhiều cho giáo dục đào tạo của họ nhưng vẫn tuyển dụng được những sinh viên đạt yêu cầu chất lượng của họ, doanh nghiệp không cần phải đào tạo lại và sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay cái nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc thúc đẩy quá trình nghiên cứu và đổi mới sáng tạo mối quan hệ giữa doanh nghiệp và trường đại học chặt chẽ, thấu hiểu. Việc nguồn nhân lực của trường đại học được xem như là nguồn nhân lực của doanh nghiệp, có thể thúc đẩy tham gia cùng nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, cùng triển khai các chương trình nghiên cứu, cập nhật công nghệ thông tin, tối ưu hóa các quá trình để làm sao giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững", T.S Phan Minh Quốc Bình khẳng định.
Phát triển nguồn nhân lực có năng lực làm chủ các công nghệ và nhanh chóng thích ứng với sự phát triển của công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong bài phát biểu mới đây tại Đại học Columbia của Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập tới con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ ra những định hướng kinh tế xã hội, những lĩnh vực ưu tiên phát triển để có thể ứng dụng thành tựu khoa học của thế giới và tạo ra những bước đột phá về thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!