Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.
Dưới lòng cống, đây là công việc hàng ngày của các công nhân thoát nước.
Không chỉ làm việc trong môi trường mất vệ sinh, chật hẹp, thiếu dưỡng khí rất dễ dẫn đến đột quỵ, các công nhân này còn phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động.
Rủi ro nhất của công nhân vệ sinh là họ phải làm việc ngay dưới lòng đường, trong những khoảng thời gian rất nhạy cảm từ lúc chập choạng tối đến nửa đêm. Bị tai nạn hay va chạm giao thông đã trở thành chuyện như cơm bữa.
Vụ tai nạn khiến anh Nguyễn Minh Luân - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh phải mổ đầu gối nẹp đinh, nghỉ làm 3 tháng. Tổng số tiền bảo hiểm tai nạn anh nhận được trong 3 tháng ấy chỉ khoảng 4 triệu.
"4 triệu 3 tháng thì chỉ thuốc men với nằm ở nhà để dưỡng bệnh, xoay sở phần nào thôi chứ không đủ trợ cấp cho mình lúc nghỉ chữa bệnh" - anh Nguyễn Minh Luân - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Bảo hiểm tai nạn lao động là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa to lớn. Giảm gánh nặng cho người lao động khi gặp rủi ro. Sẽ còn tốt hơn rất nhiều, nếu mức chi trả được điều chỉnh một cách hợp lý và phù hợp với thực tế.
Vô lý thu chi bảo hiểm tai nạn lao động
Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là quỹ thành viên của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cơ chế thu chi hiện còn nhiều bất cập. Lấy ví dụ từ câu chuyện PV vừa đưa ở Công ty Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh: Theo quy định, người sử dụng lao động, khi đóng bảo hiểm cho công nhân, sẽ phải đóng 0,5% - trên tổng quỹ lương. Nhưng khi công nhân bị tai nạn, quỹ chi trả ngược lại, thì hầu hết, lại chỉ tính dựa trên mức lương cơ sở.
Thu dựa trên thu nhập thực tế, chi lại dựa vào mức lương cơ sở trong khi thu nhập thực tế của công nhân quét rác: trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, luôn cao gấp nhiều lần - so với mức lương cơ sở theo quy định nhà nước là 1 triệu 490 ngàn đồng/người/tháng.
Đây là bất cập mà đáng ra, thu thế nào thì khi chi trả, phải tính với tỷ lệ tương ứng.
Ngoài nguy cơ về tai nạn lao động, nhiều người làm việc trong các môi trường đặc thù - ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, hiện nay, còn đối mặt với nguy cơ bệnh nghề nghiệp - ngày một gia tăng. Cơ chế chính sách bảo hiểm và hỗ trợ - cho các đối tượng này, hiện cũng còn rất hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp. Hoàn thiện thể chế để có biện pháp an sinh xã hội phù hợp hơn với thực tế đang là nhiệm vụ được các cơ quan quản lý hết sức quan tâm.
Sớm hoàn thiện chính sách cho bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp
Theo Bệnh viện Phục hồi chức năng và bệnh nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp ở các cơ quan xí nghiệp đang ngày càng gia tăng nhưng việc được thanh toán bảo hiểm hiện còn nhiều khó khăn.
Bộ Y tế ban hành danh mục chỉ có 34 bệnh được xác định là bệnh nghề nghiệp trong khi thực tế có thể nhiều hơn. Ngay cả khi nằm trong danh mục này, thủ tục nhận bảo hiểm cũng không hề dễ.
Bs. Nguyễn Hoàng Dung - Khoa Bệnh nghề nghiệp - Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Thủ tục rất khó, ví dụ như người lao động phải chứng minh được môi trường không khí hay tiếng ồn ở nơi mình làm việc vượt mức cho phép, cái đó không dễ chút nào".
Theo Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hiện còn kết dư khoảng 50 ngàn tỷ. Nhưng mức chi trả tính theo lương cơ sở cho đến nay vẫn chưa thay đổi.
Cũng theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, lắng nghe những ý kiến thực tế, Bộ đã xây dựng kế hoạch để tham mưu cho Trung ương giải quyết sớm những bất cập. Quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế để an sinh xã hội cho những đối tượng làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!