Khi tiến gần tới đất liền, khả năng bão số 13 có thể sẽ tiếp tục giảm cường độ. Bão đang có xu hướng đi chếch cao hơn, theo hướng Tây Tây Bắc và đi vào vùng biển lạnh hơn. Nhiệt độ ở vùng biển ngoài khơi Hà Tĩnh - Quảng Ngãi, nơi trong những giờ tới bão sẽ đi vào, có mức nhiệt dưới 25oC. Nhiệt ẩm cung cấp cho bão sẽ giảm đi, do đó cường độ bão sẽ tiếp tục giảm.
Dự báo, đến 4h sáng 15/11, cường độ của bão còn cấp 10 - 11, giật cấp 14. Sau đó, trong sáng 15/11, vùng tâm bão có khả năng đi vào khu vực giữa hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị với cường độ khoảng cấp 8 - 9, giật cấp 11.
Trọng tâm bão đổ độ là hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, nhưng vùng gió mạnh do bão sẽ rộng hơn. Khắp từ phía Nam tỉnh Nghệ An đến tỉnh Quảng Ngãi, gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12. Thời gian gió mạnh sẽ duy trì suốt từ giờ đến hết sáng 15/11. Với sức gió cấp 8 - 9, khi đổ bộ, bão vẫn rất nguy hiểm, bởi cấp gió này có thể làm gãy các cành cây, bật gốc cây, tốc mái nhà, gây thiệt hại về nhà cửa.
Mưa trong đợt này dự báo sẽ kéo dài trong 2 ngày tới, dồn dập nhất là từ đêm 14/11 đến hết ngày 15/11. Vùng mưa to đến rất to rộng khắp từ phía Nam tỉnh Nghệ An đến tỉnh Quảng Nam. Lượng mưa từ 150 - 250mm, có nơi vượt 350mm. Ở tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc tỉnh Nghệ An và tỉnh Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50 - 150 mm/đợt. Đây lại là khu vực đã chịu tổn thương lớn sau các đợt mưa lũ liên tiếp trong suốt hơn 1 tháng qua, khiến đất đá bị phá hủy kết cấu. Cùng với mưa xuống, nguy cơ sạt lở là rất cao, đặc biệt ở vùng núi các tỉnh, thành Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, tình trạng mưa cấp tập có thể gây ra một đợt lũ trên các sông. Cần chú ý, trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố ở tỉnh Hà Tĩnh và các sông từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Quảng Nam, lũ dâng cao lên mức báo động 2, báo động 3, có sông vượt báo động 3. Ở các vùng trũng thấp đề phòng xảy ra ngập lụt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!