Không khí lạnh tăng cường mạnh, ngày 23-25/1 tới đây có thể là thời gian rét nhất của đợt rét đậm, rét hại lần này. Dự báo nhiệt độ thấp nhất sẽ giảm xuống 7-10 độ C, khu vực vùng núi chỉ từ 3-6 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C, khả năng cao sẽ xảy ra băng giá, mưa tuyết.
Cảnh báo băng giá, mưa tuyết ở vùng núi cao các ngày 23-25/1
Xác suất xảy ra cao nhất ở Mẫu Sơn, Lạng Sơn; Phia Oắc ở Cao Bằng, Đồng Văn ở Hà Giang, Sa Pa và đỉnh Fansipan ở Lào Cai. Trời buốt giá, người dân cần chú ý giữ ấm, hạn chế ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm muộn. Đồng thời có các biện pháp bảo vệ vật nuôi và đặc biệt là cây trồng.
Rau màu gặp gặp băng giá (Ảnh ST)
Bởi cây không tự di chuyển hoặc tự tỏa nhiệt để làm ấm. Khi nhiệt độ xuống thấp, nước trong cây sẽ đóng băng thành những tinh thể sắc nhọn, đâm thủng những tế bào sống trong lá cây. Khi băng tan sẽ phá hủy toàn bộ sự sống, khiến chúng bị héo, táp.
Rau màu gặp băng giá, tuyết (Ảnh ST)
Để bảo vệ cây trồng, các chuyên gia khuyến cáo nên che kín bằng nilon, đồng thời phủ rơm rạ trên mặt luống để giữ ấm cho cây. Tốt nhất là nên có phương án thu hoạch sớm đối với rau màu để đảm bảo năng suất và chất lượng.
Phủ nylon bảo vệ cây trồng khi giá rét (Ảnh ST)
Kỹ thuật che phủ nilon chống rét cho rau màu, mạ
Dùng tre, nứa cật vót mỏng 1 cm, rộng 2 cm, dài 2 – 2,2 m đủ làm khung cho luống rộng 1,2 m, cao 0,4 – 0,7 m, cứ 1,5 – 1,7 m chiều dài luống cắm 1 thanh làm vòm khung. Sau đó, lấy 1 thanh tre dài buộc liên kết các vòm ở phần đỉnh, hai bên hông khung cũng được buộc liên kết bằng thanh dài hoặc nối dây mềm làm toàn bộ khung có kết cấu vững chắc, gặp gió bấc mạnh cũng không bị gẫy đổ.
Dùng nilon màu trắng, mỏng, dai, không bị rách thủng trùm kín luống mạ trên khung vòm, đỉnh khung cách mặt luống mạ 0,4 – 0,7 m. Nilon được kéo lợp kín cả hai đầu vòm, hai bên mép nilon được đè chèn bằng bùn ở hai bên rãnh luống tạo thành một buồng kín.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!