Chai nước, hộp xốp, túi nylon… những thứ rất tiện dụng nhưng đang trở thành rác thải khó xử lý ở các địa phương, đặc biệt là các địa phương ven biển hoặc có đông khách du lịch. Nguyên nhân chính là do hiện nay việc xử lý rác chủ yếu vẫn là đem đi chôn lấp hoặc đốt một cách rất thủ công. Rác không thu gom thì gây ô nhiễm nhưng thu gom rồi cũng gây ô nhiễm không kém.
Rác thải nhựa bủa vây đảo Bình Ba
Hộp nhựa, thùng xốp, túi nylon, nổi lềnh bềnh ven bờ biển là cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến đảo Bình Ba. Theo lãnh đạo UBND xã Cam Bình, rác thải ở đảo Bình Ba có nhiều nguồn, từ sinh hoạt của người dân, từ nuôi trồng thủy sản, nhiều nhất là rác trôi dạt ở nơi khác đổ về. Trong khi đó, việc thu gom rác tại Bình Ba hiện nay chỉ ở bờ biển ngay khu dân cư và mang tính chất thủ công. Khó hơn nữa là thu gom xong thì trên đảo cũng không đủ quỹ đất để chôn lấp và cũng không có hệ thống xử lý rác thải.
Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, TP. Nha Trang, Khánh Hòa cho biết: "Bài toán trước mắt là giải quyết không để rác tồn đọng. Ở đây quỹ đất không nhiều thì quy hoạch vùng chôn lấp, vùng xử lý rác lâu dài cũng xảy ra ô nhiễm. Còn đốt cũng thẩm thấu xuống biển, ảnh hưởng lâu dài".
Rác ở đảo đã luôn trong tình trạng quá tải thì khu vực tập kết rác cũng không khá hơn. Rác sau khi thu gom cũng được đổ thành đống lộ thiên và ngay trên đỉnh núi. Không có chỗ tập kết nên rác được thu gom về thì tiện đâu đốt ở đó khiến cho khu vực này đã ô nhiễm lại càng thêm ô nhiễm nữa.
Lãnh đạo xã Cam Bình cũng thừa nhận, bên cạnh rác thải từ nơi khác trôi dạt vào đảo, còn có cả rác tại chỗ của các hộ dân trên đảo xả ra môi trường. Địa phương đã hết sức cố gắng nhưng nhiều vấn đề ngoài khả năng của xã vì vậy rác thải tại Bình Ba mỗi ngày lại càng nhiều thêm.
Nhà máy rác chậm tiến độ, người dân hứng chịu ô nhiễm
Tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, dự án công trình xử lý rác thải với mức đầu tư lên tới 103 tỷ đồng nhưng nhiều năm trôi qua, công trình vẫn chưa hoàn thành nên toàn bộ rác thải được đưa đến đây chỉ có thể chất đống và xử lý tạm bợ khiến cho hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh phải gánh chịu ô nhiễm.
Ông Đàm Duy Cường, khu phố Xoan, thị trấn Đình Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng cho biết: "Cứ 1 năm thì bãi rác đốt tới 6-7 tháng nên lúc nào cũng hôi thối, khói phủ trắng đường. Mình ở trong nhà mà khói vào ngột ngạt, khó thở, trẻ con ở đây cũng đau ốm nhiều".
Không chỉ bốc mùi hôi thối, những núi rác được chất đống lộ thiên nhưng lại không hề có tường chắn bao bọc mặc dù giáp với nhà dân. Lý giải về việc thường xuyên đốt rác khiến khói bụi và mùi hôi tràn vào nhà dân thì chủ đầu tư cho rằng do người dân vào nhặt rác tự đốt và giải pháp là nếu cháy thì sẽ dập đám cháy.
Bãi rác huyện Lâm Hà đã hình thành từ năm 2004 đến nay và là nơi tập kết rác thải sinh hoạt không chỉ của hàng nghìn hộ dân huyện Lâm Hà mà cả các địa phương xung quanh. Đến năm 2022, Công ty TNHH và Môi Trường Lâm Hà đã đấu thầu thành công Dự án nhà máy xử lý rác với nguồn vốn 120 tỷ đồng. Tuy nhiên từ đó đến nay công trình chỉ mới xây dựng được phần khung.
Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì mỗi ngày nước ta phát sinh khoảng 60.000 tấn rác thải, nhưng chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn lấp, đem đốt hoặc thải ra ngoài môi trường. Riêng rác thải nhựa mỗi ngày nước ta thải ra khoảng 5.000 tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là túi nylon. 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Ngăn rác thải nhựa ra biển
Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ở nước ta đang gia tăng nhanh chóng, tạo ra những thách thức lớn về quản lý môi trường và cần sự hợp tác, nỗ lực từ mọi tầng lớp trong xã hội. Nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Trước tình hình đó, nhiều địa phương đã có những giải pháp rất thiết thực.
Tại Bình Định, nhiều tháng nay, tàu cá sau chuyến đánh bắt trở về bán hải sản đều mang theo những túi đựng rác thải là các chai nhựa đã sử dụng trong quá trình hoạt động trên biển đưa vào bờ thay vì vứt xuống biển như trước đây.
Trung bình mỗi tháng, Cảng cá Quy Nhơn có 300 tàu cá khai thác về cập bến, tương đương với lượng rác thải nhựa từ mỗi chuyến biển có thể lên tới hơn 4 tấn. Vì thế, nếu tất cả các tàu cá đều thu gom rác thải nhựa mang trở lại đất liền là điều rất đáng khích lệ. Còn tại Nha Trang, Ban quản lý vịnh đã ban hành thông báo về việc du khách không mang các sản phẩm nhựa dùng một lần lên các tàu du lịch và đây cũng là trách nhiệm của đơn vị tổ chức tour du lịch.
Tất nhiên không thể kiểm soát hết được toàn bộ du khách mang đồ nhựa dung một lần ra vịnh nha Trang nhưng một điều dễ thấy hầu hết du khách đều đồng tình với quy định này và đã làm theo.
Những năm qua, Việt Nam là một trong số quốc gia hưởng ứng mạnh mẽ hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công tác xử lý chất thải rắn đô thị ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Bởi vậy, ngoài việc người dân thay đổi thói quen, nêu cao ý thức bảo vệ môi trường thì việc thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!