Nhập linh kiện về lắp ráp ô tô tải nhưng không bán được: Lỗ 3,8 tỷ đồng
Sau khi thành lập lại vào cuối năm 2001, Chi nhánh Công ty Mekong Auto (MKA) bắt đầu đi vào hoạt động ở Đông Anh, TP Hà Nội. Từ năm 2004, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) nhập khẩu 200 bộ linh kiện các mẫu xe của Trung Quốc bao gồm các mẫu xe tải Lifan, Mudan. Số linh kiện này sau đó được MKA lắp ráp hoàn thiện và bàn giao lại cho VEAM mang đi tiêu thụ trong nước.
Hiện trạng số xe tải Mudan và Lifan không bán hết được tập kết ở Nhà máy ô tô Cổ Loa
Tuy nhiên do không bán được toàn bộ, lô hàng này sau đó bị tồn đọng 34 xe Mudan và 7 xe Lifan và giao cho MKA cất giữ, quản lý. Đến nay, tất cả số xe này vẫn đang được tập kết ở sân bãi Nhà máy ô tô Cổ Loa, đều đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể sử dụng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 3,8 tỷ đồng.
Trao đổi với một cán bộ đã về hưu của VEAM, người này xác nhận sự việc và cho biết, ngoài số xe tồn đọng đang ở Nhà máy ô tô Cổ Loa, một số xe đã được VEAM bàn giao cho đại lý để bán cho khách hàng. Các xe này sau đó không bán được, cũng không được VEAM thu hồi về và được ghi nhận là nợ xấu.
"Cú lừa" 1,3 triệu đô của nhà cung cấp linh kiện nước ngoài năm 2007
Năm 2007, Ông Nguyễn Thanh Quang (đại diện phần vốn của VEAM tại MKA) với cương vị là Giám đốc MKA đã kí hợp đồng mua bán ô tô HuanTao số 05/07 với VEAM theo thỏa thuận hợp tác 4 bên giữa VEAM, MKA, Shanghai HuanTao (nhà cung cấp linh kiện của Trung Quốc), HuanTao Việt Nam (công ty con của Shanghai HuanTao).
Theo đó, VEAM ứng tiền mua 50% linh kiện, Shanghai HuanTao ứng 50% linh kiện, MKA lắp ráp xe hoàn thiện bàn giao cho VEAM. VEAM cộng lãi vào giá xe và bán lại cho HuanTao Việt Nam phân phối ra thị trường
Hợp đồng mua bán ô tô số 05/07 hết hạn vào ngày 17/5/2009. Tuy nhiên, hai tháng sau, ông Nguyễn Thanh Quang vẫn tiếp tục chỉ đạo nhập khẩu thêm 245 bộ linh kiện ô tô HuanTao tại 03 tờ khai Hải quan nhập hàng từ Shanghai HuanTao. Theo ông Ngô Nhật Thái – Giám đốc đương nhiệm của MKA, bi kịch bắt đầu từ khi mở các container chứa linh kiện ra, phía MKA đã bị "sốc nặng" khi phát hiện bên trong hầu như chỉ toàn gỗ, đá, sắt vụn, chỉ có rất ít các linh kiện, phụ tùng ô tô nhưng không đồng bộ. Chính vì vậy đã không có một chiếc xe thành phẩm nào được lắp ráp từ lô hàng này.
Hiện trạng lô hàng 245 linh kiện ô tô HuanTao (tại nhà máy ô tô Cổ Loa) bị đối tác Trung Quốc lừa đảo, ước tính thiệt hại 1,3 triệu USD
Sau khi mở container đầu tiên, MKA đã mời VinaControl đến giám định 16 container chưa mở còn lại. Số hàng trong 16 container này đã được Tổ chức giám định VinaControl xác nhận trong Chứng thư giám định.
Trước khi hàng về vài ngày, toàn bộ nhân viên và ban lãnh đạo của HuanTao Việt Nam lặng lẽ về nước, không hồi âm và không thể liên lạc được. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 1.300.000 USD (khoảng 24 tỷ đồng).
Chứng thư giám định của VinaControl về lô hàng 245 linh kiện CKD ô tô HuanTao năm 2009
Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Quang, việc nhập khẩu thêm các bộ linh kiện ô tô là theo chỉ đạo của VEAM, MKA khi đó chỉ là đơn vị đứng ra thực hiện thủ tục nhập khẩu, mở tờ khai hải quan. Ông Quang cũng phủ nhận toàn bộ trách nhiệm khi tiếp tục nhập khẩu 245 bộ linh kiện CKD dù hợp đồng mua bán ô tô đã hết hạn.
"Nhà máy MKA chỉ làm gia công, có tiền đâu mà bị lừa? Có mất đồng nào đâu mà lừa. Thực sự tôi cũng không biết trên Tổng Công ty VEAM, ai là người bàn với đối tác Trung Quốc để nhập được số hàng này về. MKA chỉ đứng trung gian lắp ráp thôi", ông Quang cho biết.
Không có xe vẫn đặt hàng đóng thùng xe, nhà máy ô tô Cổ Loa đóng cửa
Theo các tài liệu được lưu tại MKA, ông Nguyễn Thanh Quang khi đó là Giám đốc của MKA dù biết đã bị lừa nhưng vẫn tiếp tục đặt hàng Công ty Cơ khí Cổ Loa (cũng do ông Quang làm Giám đốc kiêm nhiệm) làm thùng xe với tổng số tiền 2.967.000.000 đồng (!?). Một nguyên lãnh đạo của Cơ khí Cổ Loa cho biết, số thùng xe này sau khi được bàn giao cho MKA đã được thanh toán toàn bộ. Tuy nhiên, đơn hàng thùng xe cuối cùng (sử dụng cho lô hàng HuanTao bị lừa đảo) không được MKA chi trả. Khi được hỏi về nội dung này, ông Quang cho biết mình... không nhớ.
Số thùng xe bằng thép này hiện đã han gỉ nặng, được chất thành từng đống lớn quanh nhà máy ô tô Cổ Loa, không được xử lý hay thanh lý để tránh thất thoát tài sản của nhà nước
Công văn số 133 năm 2015 của MKA còn xác định ông Nguyễn Thanh Quang khi còn là Giám đốc Nhà máy ô tô Cổ Loa đã tự ý chi tiêu nhiều khoản không được phép, làm thất thoát với tổng số tiền khoảng 9,3 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên, ông Quang phủ nhận nội dung này.
Năm 2010, trước những thiệt hại quá lớn và sức ép từ phía chủ đầu tư là VEAM, MKA đã buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng cửa nhà máy ô tô Cổ Loa, sa thải hầu hết kỹ sư, công nhân và nhân viên. Giám đốc Nguyễn Thanh Quang (cán bộ của VEAM) đã xin nghỉ việc và các cán bộ của VEAM tại MKA cũng được rút về Tổng công ty VEAM. Việc kinh doanh thua lỗ, bị đối tác nước ngoài "lừa", hay bỏ mặc hàng ngàn chiếc xe ô tô đang "phơi mưa, đội nắng" ở Nhà máy ô tô Cổ Loa đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước tới hàng trăm tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!