Bất thường trong nhập khẩu linh kiện ô tô (Kỳ 1): Hàng nghìn xe phơi xác ở Cổ Loa

Nhóm phóng viên Thời báo VTV-Thứ hai, ngày 11/03/2024 20:37 GMT+7

VTV.vn - Bên trong nhà máy ô tô Cổ Loa (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), có hàng trăm xe ô tô tải nhẹ nhãn hiệu Changan và các bộ linh kiện ô tô nhập khẩu từ nước ngoài bị xuống cấp.

Hơn 1.000 xe ô tô “phơi mưa nắng” gần 5 năm ở Hà Nội, thiệt hại hơn 100 tỷ đồng

Xót xa cảnh hàng ngàn chiếc ô tô han gỉ, xuống cấp nghiêm trọng

Tại Nhà máy ô tô Cổ Loa (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), nhiều năm qua, người dân đã quen với cảnh hàng trăm chiếc ô tô bán thành phẩm, cabin liền khung xe nằm phơi gió, phơi sương bên ngoài sân của nhà máy.

Bất thường trong nhập khẩu linh kiện ô tô (Kỳ 1): Hàng nghìn xe phơi xác ở Cổ Loa - Ảnh 2.

Hàng trăm xe ô tô bán thành phẩm, cabin xe xuống cấp trầm trọng bên ngoài sân nhà máy ô tô Cổ Loa.

Bên trong các xưởng lắp ráp, xưởng sơn và kho của nhà máy cũng xếp chật kín các xe ô tô bán thành phẩm và gần 1.000 bộ linh kiện CKD (linh kiện chính để lắp ráp một chiếc ô tô hoàn chỉnh). Đây là những sản phẩm còn lại chưa được lắp ráp hoàn thiện, nằm trong lô hàng 1.500 xe tải nhẹ Changan do Chi nhánh Công ty Mekong Auto (MKA) hợp tác cùng Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) nhập khẩu từ Trung Quốc về (giai đoạn 2018 – 2019).

Bất thường trong nhập khẩu linh kiện ô tô (Kỳ 1): Hàng nghìn xe phơi xác ở Cổ Loa - Ảnh 3.

Theo ước tính của MKA, tính đến thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại do số lượng linh kiện và ô tô bán thành phẩm bị han gỉ, xuống cấp, đã lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Đơn phương tạm dừng hợp đồng

Theo bản Hợp đồng kinh tế số 16 được kí kết cuối năm 2014 giữa VEAM và MKA, "VEAM lập kế hoạch đặt hàng, cung cấp tài chính, chỉ định nhà cung cấp, duyệt giá mua linh kiện và kiểm soát các chi phí sản xuất do MKA phải ứng ra để sản xuất/lắp ráp sản phẩm. MKA chịu trách nhiệm sản xuất/lắp ráp sản phẩm và giao hàng cho VEAM theo kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể do VEAM quyết định".

Bất thường trong nhập khẩu linh kiện ô tô (Kỳ 1): Hàng nghìn xe phơi xác ở Cổ Loa - Ảnh 4.

Hợp đồng kinh tế số 16 giữa VEAM và MKA kí kết năm 2014 về hợp tác lắp ráp, tiêu thụ xe ô tô tải nhập linh kiện từ Trung Quốc.

Sau 3 năm hợp tác, tính đến năm 2017, MKA đã sản xuất và bàn giao hơn 3.000 xe tải nhẹ Changan cho VEAM mang đi tiêu thụ thành công. Tháng 8/2017, VEAM tiếp tục đặt lô hàng 1.500 xe tải nhẹ Changan với MKA. Đây là một đơn hàng lớn với tổng giá trị khoảng 135 tỷ đồng linh kiện CKD (vốn của VEAM) và khoảng 20 tỷ đồng tiền nguyên vật liệu phụ (vốn của MKA).

Bất thường trong nhập khẩu linh kiện ô tô (Kỳ 1): Hàng nghìn xe phơi xác ở Cổ Loa - Ảnh 5.

Công văn 943 của VEAM gửi MKA yêu cầu dừng lắp ráp lô hàng Changan.

Theo ông Ngô Nhật Thái – Giám đốc MKA chia sẻ, việc lắp ráp đang diễn ra thuận lợi thì cuối tháng 10/2018, VEAM gửi công văn số 943 yêu cầu MKA phải tạm ngưng sản xuất/lắp ráp. Dù đã ngưng sản xuất, đối tác Trung Quốc là Changan vẫn tiếp tục gửi các bộ linh kiện về Hà Nội, đủ 1.500 bộ theo thỏa thuận ngặt nghèo về L/C không hủy ngang, khiến nhà máy, sân bãi, kho hàng của MKA bị tê liệt vì không còn không gian hoạt động. Tình trạng này kéo dài từ năm 2019 đến nay. MKA đã phải sa thải gần 100 công nhân, kỹ sư.

VEAM là công ty cổ phần có vốn Nhà nước

Theo thông tin từ Cổng thông tin Bộ Công Thương, Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đã tiến hành cổ phần hóa từ năm 2017. Đây là công ty cổ phần nhưng có tới 88.47% vốn Nhà nước do Bộ Công Thương quản lý.

Bất thường trong nhập khẩu linh kiện ô tô (Kỳ 1): Hàng nghìn xe phơi xác ở Cổ Loa - Ảnh 6.

Các xưởng lắp ráp và sản xuất của Nhà máy ô tô Cổ Loa bị "vô hiệu hóa" vì phải lưu giữ linh kiện ô tô đã nhập về, không còn không gian sản xuất.

Tháng 10/2001, Công ty MEKONG AUTO Corporation (MAC) đã tiến hành cải tổ, thành lập lại Chi nhánh Công ty Mekong Auto tại Hà Nội (MKA) chỉ bao gồm Nhà máy ô tô Cổ Loa, được phép hoạt động kinh doanh độc lập, có con dấu, mã số thuế, tài khoản riêng và chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hoạt động của mình trước pháp luật và Công ty MEKONG AUTO. Công ty MEKONG AUTO (nay là Công ty TNHH MEKONG AUTO) giao MKA cho hai đối tác góp vốn gồm Công ty SAE YOUNG Hàn Quốc và VEAM với tỷ lệ góp vốn tại MKA lần lượt là SAE YOUNG: 3,8 triệu USD (51,35%) và VEAM: 3,6 triệu USD (48,65%).

Theo ông Thái, với hiện trạng nhà máy ô tô Cổ Loa và tình trạng hư hỏng, ngày càng xuống cấp của các xe ô tô, bộ linh kiện ô tô đã nhập về, các thiệt hại sẽ ngày càng lớn. Hơn 5 năm qua, MKA liên tục gửi công văn đề nghị VEAM tiếp tục hợp đồng hoặc có phương án xử lý, thanh lý hàng tồn, tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, nhưng không có kết quả.

Phóng viên Thời báo VTV đã liên hệ với VEAM, đơn vị này cho biết những nội dung nêu trên hiện cũng đang trong quá trình kiểm tra nên chưa thể cung cấp thông tin cụ thể với báo chí.

Bất thường trong nhập khẩu linh kiện ô tô (Kỳ 2): Liên tục thua lỗ nhiều tỷ đồng Bất thường trong nhập khẩu linh kiện ô tô (Kỳ 2): Liên tục thua lỗ nhiều tỷ đồng

VTV.vn - Chi nhánh Công ty Mekong Auto (Hà Nội) được thành lập từ năm 2001 với nhiệm vụ nhập khẩu linh kiện, lắp ráp ô tô để bán trong nước nhưng nhiều lần thua lỗ bất thường.

Bất thường trong nhập khẩu linh kiện ô tô (Kỳ 3): Trách nhiệm thuộc về ai? Bất thường trong nhập khẩu linh kiện ô tô (Kỳ 3): Trách nhiệm thuộc về ai?

VTV.vn - Ba lần thua lỗ, 2 lần Nhà máy ô tô Cổ Loa đóng cửa, sa thải hàng trăm công nhân, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước nhưng chưa có ai phải chịu trách nhiệm.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước