Hành trình "gỡ rối" hàng tồn 1.500 xe ô tô Changan tại Nhà máy ô tô Cổ Loa
Tháng 10/2018, sau khi VEAM gửi công văn 943 yêu cầu tạm dừng sản xuất xe ô tô tải nhẹ Changan, Chi nhánh Mekong Auto đã nhiều lần gửi các công văn (CV109/2018), (CV10/2023)... đến VEAM đề nghị tiếp tục hợp đồng hoặc thanh lý hợp đồng nhưng đều không được VEAM đáp ứng.
MKA liên tục gửi các công văn yêu cầu được lắp ráp tiếp lô hàng 1.500 xe Changan hoặc thanh lý số linh kiện này để tránh thất thoát, lãng phí tài sản
Về phía VEAM, theo tài liệu thu thập được, từ năm 2021, Hội đồng Quản trị của Tổng công ty này đã nhiều lần họp, ra các nghị quyết số 53, 57, 58 về việc xử lý lô hàng tồn Changan nhưng đến nay vẫn không có kết quả. Mâu thuẫn về công nợ của VEAM và MKA kéo dài và tình trạng thê thảm của lô hàng 1.500 xe ô tô Changan đang bị kẹt cứng tại Nhà máy ô tô Cổ Loa suốt 5 năm qua là nguyên nhân trực tiếp làm cho MKA lại một lần nữa phải đóng cửa nhà máy, sa thải hầu như toàn bộ cán bộ kỹ sư, công nhân viên.
Theo đại diện Chi nhánh Mekong Auto, linh kiện CKD và các ô tô bán thành phẩm này này để càng lâu, nguy cơ bị hư hỏng càng cao. Thực tế, các xe tải, cabin xe, linh kiện đều đã xuống cấp nghiêm trọng.
VEAM có trách nhiệm với lô hàng 1.500 xe Changan giá trị 135 tỷ đồng?
Từ năm 2017 đến tháng 3 năm 2019, lô hàng 1.500 linh kiện xe Changan nhập khẩu từ Trung Quốc với "trái tim" là cụm động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 được nhập về Nhà máy ô tô Cổ Loa.
Dù biết 31/12/2021 là thời hạn cuối cùng cho phép các xe lắp ráp theo tiêu chuẩn khí thải Euro4 được phép lắp ráp và bán ra thị trường nhưng Ban Lãnh đạo VEAM thời kỳ này vẫn không đồng ý cho MKA tiếp tục sản xuất lô hàng xe Changan từ các bộ linh kiện đã nhập về.
Mạng nhện và bụi phủ đầy các kho linh kiện ô tô ở Nhà máy Cổ Loa. Nhiều chi tiết, thiết bị, phụ tùng ô tô đã han gỉ, xuống cấp và không thể sử dụng
Thông tin từ MKA cho biết, trong lô hàng trị giá 135 tỷ đồng này (nguồn vốn do VEAM ứng) thì chỉ riêng cụm động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro4 đã chiếm khoảng 40% giá trị của bộ linh kiện CKD. Đến nay, những động cơ này đã không thể sử dụng để lắp ráp ô tô vì không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải Euro5. Theo Quyết định 49/2011 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2022 các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro5). Nếu muốn sử dụng các bộ linh kiện CKD đã nhập về để tiếp tục sản xuất xe tải nhẹ để tiêu thụ thì sẽ phải nhập khẩu thay thế cụm động cơ có thông số kỹ thuật tương tự nhưng phải đạt được tiêu chuẩn Euro5, ngoài ra còn phải nhập khẩu thay thế các linh kiện, phụ tùng đã han rỉ, hư hỏng.
Giám đốc MKA qua các thời kỳ
Giai đoạn 2004 – 2009, theo các tài liệu còn lưu tại MKA, Giám đốc Nguyễn Thanh Quang của MKA, khi đó là cán bộ của VEAM cử sang đã làm thất thoát số tiền hàng chục tỷ đồng qua các hợp đồng nhập khẩu, lắp ráp linh kiện và kinh doanh xe ô tô LiFan, Qingqi, Mudan và HuanTao.
Ông Nguyễn Thanh Quang cũng được nhắc tên trong Công văn số 10/2023 gửi VEAM của MKA về việc tự ý chi tiêu nhiều khoản không được phép, làm thất thoát với tổng số tiền khoảng 9,3 tỷ đồng. Sau đó, ông này đã xin nghỉ việc.
Công văn số 10/2023 gửi VEAM của Ban lãnh đạo MKA
Giai đoạn 2019 – 2022, theo Công văn số 49/2022 của MKA gửi VEAM, ông Nguyễn Tân Tiến là cán bộ của VEAM được cử sang MKA làm Giám đốc đã tự ý chỉ đạo thực hiện tiếp lô hàng tồn Changan không được phép của VEAM. Cụ thể:
Kí hợp đồng với Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa không qua chỉ đạo của VEAM, mang 331 khung xe sơn lót tĩnh điện: Nợ 4,7 tỷ đồng.
Chỉ đạo lắp ráp lô hàng tồn Changan dù đã bị VEAM yêu cầu dừng lắp ráp từ năm 2018 và không có đơn đặt hàng. Số khung xe liền cabin này phơi mưa, phơi nắng ở sân nhà máy và 267 xe bán thành phẩm đã bị tẩy số khung, số máy: Thiệt hại ước tính 73,7 tỷ đồng. Theo Giám đốc MKA, vụ việc đang được Phòng cảnh sát kinh tế - môi trường, Công an Thành phố Hà Nội điều tra, làm rõ.
Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp do Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 quy định trách nhiệm của chủ sở hữu vốn Nhà nước và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm, gây tổn thất vốn Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!