Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế về bệnh lý nhiễm độc do Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 25/2.
Tại Hội nghị, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong 10 năm (từ năm 2010 - 2019), đơn vị Hồi sức chống độc - Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận và điều trị cho 14.294 bệnh nhân bị nhiễm độc cấp. Trong đó, số lượng bệnh nhân nặng cần hồi sức cấp cứu tích cực với các biện pháp thở máy, lọc máu… chiếm khoảng 50% trường hợp. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy đạt trên 95,8% do sử dụng các biện pháp điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức nhận định, hiện nay số lượng bệnh nhân nhiễm độc trung bình hằng năm không ngừng gia tăng. Nếu như 10 năm trước chỉ có 800 - 1.000 bệnh nhân/năm thì đến nay số lượng bệnh tăng lên 1.500 - 2.000 bệnh nhân/năm. Trong đó, nhóm ngộ độc do các loại hóa chất (thuốc tân dược và thuốc bảo vệ thực vật) ngày càng tăng, đồng thời xuất hiện các loại ngộ độc hiếm gặp (ngộ độc botulinum, ngộ độc khế…), ngộ độc do các sản phẩm chứa nhiều loại độc chất (cypermethrin, phospho hữu cơ…) làm thay đổi triệu chứng lâm sàng hay độc chất mới (ngộ độc thuốc Glufosinate ammonium…) chưa có phác đồ điều trị chuẩn.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy nêu thực tế, bệnh lý nhiễm độc ngày càng gia tăng, phức tạp nhưng khả năng xét nghiệm tìm độc chất hay xác định nồng độ độc chất của các cơ sở y tế còn rất hạn chế. Phần lớn các cơ sở y tế không có đơn vị/khoa chống độc riêng mà lồng ghép chung trong các Khoa Hồi sức tích cực khiến cho nhiều trường hợp ngộ độc cấp không được phát hiện. Việt Nam cũng chưa có mạng lưới hoạt động về chống độc như các chuyên ngành khác, dẫn đến sự hạn chế trong chẩn đoán, điều phối các thuốc, phương tiện để điều trị nhiễm độc cấp.
Nước ta cũng chưa có trung tâm lưu trữ các loại thuốc giải độc quý hiếm dẫn tới tình trạng thiếu thuốc hoặc lãng phí thuốc. Phác đồ điều trị chưa được bổ sung, cập nhật theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bệnh nhiễm độc rất hạn chế; thiếu chuyên gia về hồi sức chống độc, đặc biệt là đối với những bệnh lý nhiễm độc mạn tính có liên quan tới bệnh lý ung thư, xơ gan…. "Khi thiếu phương tiện, nhiều khi bác sĩ thường phải dựa trên lâm sàng hoặc kinh nghiệm của mình để chẩn đoán và đưa ra phương hướng điều trị cho bệnh nhân, điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị, nhất là ở nhóm ngộ độc không rõ tác nhân", Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng chia sẻ.
Hội nghị Quốc tế về bệnh lý nhiễm độc có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chống độc trên thế giới đến từ Vương quốc Anh, Đài Loan cũng như các trung tâm chống độc trong cả nước. Hội nghị được kỳ vọng là nền tảng cho việc xây dựng hệ thống mạng lưới hồi sức chống độc toàn quốc với sự tham gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời phối hợp nghiên cứu khoa học với các trung tâm chống độc quốc tế (Anh, Đài Loan) và đặc biệt tìm nguồn đào tạo bác sĩ trẻ về chuyên ngành hồi sức chống độc.
Hội nghị cũng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu sản xuất và đánh giá hiệu quả lâm sàng các loại huyết thanh kháng độc giữa các bệnh viện và Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) Nha Trang; Phối hợp điều chuyển các loại thuốc giải độc quý hiếm trên quy mô toàn quốc; Soạn thảo, cập nhật, bổ sung các phác đồ điều trị nhiễm độc và đệ trình hội đồng khoa học và Cục Quản lý khám chữa bệnh xem xét và quyết định….
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!