Bội nhiễm do cúm A và nhiều biến chứng nguy hiểm

P.V-Thứ sáu, ngày 24/03/2023 08:00 GMT+7

Tiêm phòng vaccine cúm đầy đủ giúp trẻ được phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe trước dịch cúm A. Ảnh: Mộc Thảo

VTV.vn - Số ca mắc cúm A đang được ghi nhận gia tăng, đã có trường hợp bội nhiễm cùng lúc 2-3 virus hoặc vi khuẩn.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các bác sĩ vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, phổi tổn thương, co giật và có dấu hiệu mất ý thức. Theo thông tin bệnh sử, bệnh nhi có tiền sử hen suyễn. Trước đó, bé sốt cao không hạ, chảy nước mũi, gia đình chỉ nghĩ bé bị bệnh hô hấp như thông thường và tự cho bé dùng thuốc hạ sốt nhưng tình trạng không giảm.

Sau khi khám, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm A, bội nhiễm phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae). Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện khi đã có biến chứng viêm phổi nặng, biến chứng viêm não. Ngay lập tức bệnh nhi được điều trị tích cực, thở máy. Các bác sĩ hội chẩn lên phác đồ kháng sinh phối hợp 3 loại thuốc kháng sinh liều cao để điều trị cho bệnh nhi.

Sau vài ngày điều trị tích cực tình trạng của bệnh nhi đã cải thiện, hiện đang được tiếp tục theo dõi và điều trị thêm.

Bội nhiễm do cúm A và nhiều biến chứng nguy hiểm - Ảnh 1.

Trẻ khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Nguyên An

Tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, lượng trẻ mắc cúm A và các bệnh lý hô hấp cũng được ghi nhận gia tăng. Đặc biệt nhiều trường hợp lây chéo trong cả gia đình, trẻ nhỏ và người già dễ diễn tiến nặng khi mắc bệnh. Cúm A và các bệnh hô hấp do siêu vi thường gây triệu chứng ban đầu khá giống nhau như: sốt, ho, hắt hơi… dẫn đến dễ nhầm lẫn, chủ quan, trì hoãn khám và điều trị. Trì hoãn điều trị có thể khiến tình trạng diễn tiến nhanh chóng, gây các biến chứng trong đó nặng nề nhất là biến chứng viêm não.

Bác sĩ Phan Thị Thu Minh - Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết: Viêm não là biến chứng nguy hiểm gây ra do cúm, chiếm từ 3-6% trường hợp, với biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương. Ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nếu mắc cúm không được phát hiện và điều trị kịp thời thì viêm não là biến chứng thường được ghi nhận. Trẻ có nguy cơ phải thở máy ở phòng chăm sóc đặc biệt, điều trị nhiều loại thuốc, tốn kém chi phí và thời gian của phụ huynh.

Viêm não do cúm thường xuất hiện vào ngày 2-3 sau sốt cao 39-40 độ C, nếu xử lý tình trạng sốt không tốt, trẻ sẽ có triệu chứng nhiễm khuẩn thần kinh như buồn nôn, hôn mê, co giật,... tăng tỷ lệ tử vong hoặc nếu được cứu sống trẻ vẫn phải sống trong di chứng tổn thương thần kinh suốt đời như: liệt, khờ khạo, kém phát triển trí tuệ và vận động.

Bác sĩ Thu Minh chia sẻ thêm, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp và có khả năng phát tán trong không khí với vận tốc khoảng 150km/giờ. Nếu trong môi trường kín hoặc những người tiếp xúc với nhau trong cùng gia đình, virus cúm có thể lây bệnh chỉ trong 1-2 giây.

Virus cúm khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương tế bào niêm mạc đường hô hấp dưới, tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn khác như phế cầu khuẩn xâm nhập gây ra tình trạng đồng nhiễm, biến chứng viêm não nghiêm trọng hơn. Ở các đối tượng nguy cơ cao như bệnh nhân tim mạch uống thuốc thường xuyên, virus cúm có thể ra hội chứng Reye, tổn thương ở gan, não.

"Hiện nay, bệnh cúm và các biến chứng nặng do cúm đã được phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Tình hình dịch cúm ngày càng phức tạp, khó đoán, biến chứng nặng khiến người bệnh phải điều trị dài ngày do đó bên cạnh các biện pháp đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh sạch nơi ở và tay thì người dân mọi độ tuổi cần chủ động tiêm phòng càng sớm càng tốt" - Bác sĩ Thu Minh khuyến cáo.

Theo BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, virus cúm tồn tại và gây bệnh rải rác quanh năm nhưng thường bùng mạnh vào mùa đông, khi thời tiết lạnh, nồm ẩm. Tuy nhiên, gần đây quy luật dịch cúm A có sự biến đổi phức tạp hơn do sự biến động của thời tiết. Đã có những thời điểm dịch cúm bùng phát mạnh ngay giữa mùa hè.

Tại Việt Nam, thường ghi nhận hai chủng cúm gây bệnh ở người là A và B. Cúm A gây ra bởi các chủng như H1N1, H3N2, H5N1... Theo số liệu, trung bình mỗi năm nước ta có hơn 800.000 người mắc cúm. Riêng trong năm 2019, nước ta ghi nhận hơn 400.000 ca mắc, trong đó có hàng chục ca tử vong.

Trẻ sơ sinh, trẻ có bệnh nền như rối loạn chuyển hoá, tim bẩm sinh, phổi tắc nghẽn mãn tính… nếu mắc cúm rất nguy hiểm, tăng nguy cơ biến chứng nặng, bội nhiễm, đồng nhiễm.

"Điều may mắn rằng hiện nay bệnh cúm mùa đã phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Tiêm vaccine đầy đủ giúp giảm nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt 74%, giảm nguy cơ tử vong hơn 31% ở trẻ em, giảm chi phí y tế, đảm bảo sức khỏe và nền tảng tương lai cho trẻ. Đối với người lớn, một mũi vaccine cúm có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong 61%, 55% ở bệnh nhân bệnh mạch vành, 41% ở bệnh nhân COPD, 58% ở bệnh nhân đái tháo đường.

Virus cúm có đặc điểm là thay vỏ hằng năm do đó trẻ em và người lớn đều cần tiêm nhắc lại vaccine cúm mỗi năm để duy trì trạng thái miễn dịch và nồng độ kháng thể cao nhất"- Bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Vaccine cúm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn hiện đang được cung ứng đầy đủ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Cùng với tiêm chủng vaccine cúm đầy đủ, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Nhằm giúp cộng đồng kịp thời cập nhật những diễn biến mới của bệnh cúm A & các bệnh siêu vi hô hấp, vào 20 giờ, thứ Sáu, ngày 24/3, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp cùng Báo điện tử VnExpress thực hiện Chương trình Tư vấn trực tuyến "Cập nhật diễn biến của cúm A & các bệnh siêu vi hô hấp".

Chương trình được phát sóng trực tiếp trên các nền tảng uy tín như: Đài THVN, Đài THVL; tiếp sóng trên các fanpage: VnExpress.net, Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn - VNVC; Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh; Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng - Nutrihome; kênh Youtube VNVC…

Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu:

- TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. Hồ Chí Minh;

- BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC;

- ThS.BSNT.CKI Trịnh Thị Hồng Vân, Bác sĩ Khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh, TP. Hồ Chí Minh;

Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại bài viết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước