Thời tiết nồm trong mùa đông xuân, độ ẩm trên 90% như hiện nay, chính là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh triển nhanh và mạnh. Vậy giải pháp để phòng tránh và điều trị hiệu quả các bệnh mùa xuân như thế nào?
Để hiểu rõ hơn về các bệnh lý thường gặp vào xuân, đặc biệt là cách điều trị và phòng ngừa, Báo điện tử VTV đã phối hợp cùng Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: Các bệnh lý thường gặp mùa xuân, điều trị và phòng ngừa vào 20h thứ 3, ngày 14/2/2023. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội: TTƯT.TS.BS Nguyễn Thanh Vân - khoa Nội tổng hợp; BSNT Nguyễn Thị Thùy Ninh - khoa Nội tổng hợp; ThS.BS Nguyễn Văn Ngân - khoa Hô hấp.
Mở đầu chương trình, ThS.BS Nguyễn Văn Ngân cho biết, sau Tết, khoa Hô hấp ghi nhận số ca mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản tăng 30%, các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa (A,B) tăng nhẹ, các bệnh dị ứng gia tăng.
Các bệnh như cúm A, cúm B, sởi, quai bị, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), các bệnh dị ứng… là những bệnh thường gặp vào mùa xuân. Đối tượng dễ mắc phải thường là trẻ dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi và người có sức đề kháng yếu.
Một khán giả thắc mắc, gia đình anh có 5 người ở căn hộ 45m2 và có người mắc cúm A, điều kiện cách ly khó khăn. Cộng thêm thời tiết mùa xuân nồm ẩm thì nên xử trí như thế nào cho đúng, nên mở cửa hay đóng cửa?
ThS.BS Nguyễn Văn Ngân, Bác sĩ khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.
Bác sĩ Ngân lý giải, cúm A là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên. Đây là loại cúm mùa hay gặp nhất vào dịp đông xuân. Con đường lây truyền là trực tiếp qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi. Phạm vi phát tán của virus cúm A có thể lên tới 2m, người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sẽ dễ bị lây nhiễm. Ngoài ra virus cúm A có thể tồn tại trên đồ vật trong vòng 48 giờ. Vì vậy người "lành" khi tiếp xúc với đồ vật đó cũng có nguy cơ lây nhiễm. Cúm A cũng có thể lây từ gia súc, gia cầm sang người. Biện pháp ngăn ngừa tốt nhất là phải cách ly người bệnh.
Nếu trong gia đình có người bị cúm A, người bệnh nên được cách ly tại phòng riêng. Trường hợp không có phòng riêng thì cần hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh; đeo khẩu trang; thường xuyên vệ sinh dụng cụ và đồ dùng quanh mình; ho hắt hơi vào khăn giấy để hạn chế virus phát tán ra ngoài; không nên ngồi ăn cơm chung. Đặc biệt là mở cửa thông thoáng để giảm tải lương virus, ngăn ngừa lây lan.
Với điều kiện thời tiết nồm ẩm như hiện nay việc mở cửa cũng lợi bất cập hại, tạo điều kiện cho virus phát triển. Biện pháp khắc phục trong tình huống này là mở cửa trong thời gian ngắn (khoảng 20-30 phút), sử dụng thêm máy hút ẩm, quạt thông gió để giảm tải virus phát tán trong không khí. Phương pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm phòng vaccine để giảm triệu chứng khi nhiễm bệnh. Ngoài ra cần kết hợp ăn uống khoa học, thăm khám bác sĩ khi cần thiết.
Một khán giả có hỏi về tiêm phòng vaccine cúm là nên hay không khi tiêm rồi vẫn có thể mắc cúm. TTƯT.TS.BS Nguyễn Thanh Vân giải thích rằng, việc tiêm vaccine cúm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể tiêu diệt virus gây bệnh. Vaccine cúm Tứ giá Vaxigrip Tetra là loại mới nhất hiện nay có thể phòng ngừa được bệnh cúm tới 80%. Với các đối tượng như trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh lý nền khi tiêm vaccine phòng cúm có thể giảm triệu chứng nếu nhiễm bệnh, có lợi cho cộng đồng, thời gian lây nhiễm ngắn. Tuy nhiên bác sĩ Vân cũng lưu ý thêm, tác dụng của vaccine sẽ giảm dần hàng năm, ngoài ra mỗi năm virus lại có biến chủng mới, vì vậy vaccine cũng được sản xuất mới hàng năm để phù hợp với chủng lưu hành. Bởi vậy muốn phòng ngừa tối đa bệnh cúm, bạn nên tiêm hàng năm theo lịch.
TTƯT Tiến sĩ Nguyễn Thanh Vân, bác sĩ khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.
Có nhiều khán giả gửi câu hỏi về chương trình hỏi về các bệnh lý da liễu như mề đay, mẩn ngứa, phát ban… bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Ninh chia sẻ, đây là các bệnh lý cũng dễ gặp phải trong điều kiện thời tiết như hiện nay. Trong đó, mề đay là bệnh lý phổ biến, được phân thành mề đay cấp hoặc mề đay mãn tính (thể có yếu tố khởi phát và thể vô căn). Bệnh do nhiều nguyên nhân phức tạp nên để điều trị đạt hiệu quả, người bệnh nên tới các cơ sở Y tế uy tín để khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị.
Với tình trạng mẩn đỏ, phát ban, ngứa rải rác xuất hiện trên da, bác sĩ Thùy Ninh cho biết, thông thường đây có thể là dấu hiệu gặp phải trong các bệnh lý viêm da, nhiễm ký sinh trùng, mề đay. Nhưng nếu kèm theo biểu hiện khó thở, người bệnh nên sớm đến cơ sở y tế có kết hợp chuyên khoa da liễu và dị ứng để thăm khám, phòng trường hợp bị hen phế quản. Không tự ý dùng thuốc (đặc biệt với phụ nữ có thai, trẻ nhỏ và người già), nguy cơ gây tổn thương thận, làm nặng hơn tình trạng tổn thương da là rất lớn.
BSNT Nguyễn Thị Thùy Ninh, khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.
Một thai phụ (25 tuổi) băn khoăn về việc đang mang thai tuần 12 nhưng bị rubella thì cần làm gì? Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thanh Vân cho biết, rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có lây theo đường hô hấp và lây truyền trực tiếp từ mẹ sang con. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt phát ban, nổi hạch. Các biến chứng như viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu. Ở phụ nữ có thai 18 tuần đầu có thể gây sảy thai, đẻ non,dị tật bẩm sinh. Tỷ lệ truyền từ mẹ qua con rất lớn, trong tháng đầu tiên tỷ lệ lây truyền là 80-90%, tháng thứ 2 là 60-70%, từ tháng thứ 3 là 35-50%. Trường hợp này thai phụ cần đến các cơ sở y tế có liên kết đa chuyên khoa như BVĐK Tâm Anh để làm các xét nghiệm chẩn đoán. Đồng thời sản khoa sẽ hỗ trợ tư vấn trực tiếp cho bạn về tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngân có trả lời một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc lạm dụng kháng sinh, tự ý mua về điều trị các bệnh lý thường gặp trong mùa xuân. Bác sĩ Ngân cho biết, những bệnh lý do virus gây ra thì không chữa được bằng kháng sinh vì nó chỉ diệt được vi khuẩn. Bởi vậy tránh tự ý lạm dụng thuốc nguy cơ gặp tác dụng phụ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Người bệnh nên đi khám để được tư vấn dùng thuốc phù hợp với từng bệnh lý. "Dùng kháng sinh tràn lan sẽ gây triệu chứng kháng kháng sinh rất nguy hiểm", bác sĩ nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!