Đa số ý kiến nhất trí cấm tuyệt đối nồng độ cồn
Chiều nay (22/5), Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: Trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật, hầu hết các ý kiến nhất trí với phương án cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. "Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý", báo cáo nêu.
Liên quan đến ý kiến đề nghị bổ sung nội dung bãi bỏ khoản 6, điều 5 của Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, khoản 6 Điều 5 Luật Phòng chống tác hại rượu, bia quy định cấm "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" với phạm vi cấm không chỉ về giao thông đường bộ mà trên tất cả các lĩnh vực giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.
Cần quy định chặt chẽ để tránh oan sai
Bày tỏ cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Kỳ họp, đại biểu Trần Văn Tuấn (ĐBQH tỉnh Bắc Giang) quan tâm, trao đổi thêm về Khoản 2, Điều 10, quy định nghiêm cấm hành vi "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Đây cũng là quy định còn có những ý kiến khác nhau.
Đại biểu Trần Văn Tuấn - ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đại biểu cơ bản nhất trí với quy định trên, nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình và toàn xã hội.
Tuy nhiên, quy định cấm nêu trên đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa? Liệu có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh?
Trong báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định: "Về nồng độ cồn nội sinh đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệch kết quả xử lý".
Theo đại biểu Tuấn, việc xác định nồng độ cồn nội sinh là "chưa có căn cứ rõ ràng", chứ không phải là không có căn cứ. "Thực tiễn phát hiện là rất hiếm" chứ không phải là không có và "có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu" nhưng kết quả xét nghiệm máu có thực sự chính xác hay không? Trường hợp nào thì cần kiểm tra lại qua xét nghiệm máu? Đây là những vấn đề cần được quy định chặt chẽ trong Luật, để tránh việc xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 10 của dự thảo Luật về hành vi bị nghiêm cấm như sau: "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh". Đồng thời cần bổ sung quy định trong Luật về việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau)
Cũng đồng tình quy định cấm người điều khiển phương tiện trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu thực trạng nhiều người sử dụng rượu bia từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong hơi thở, thậm chí ăn một số loại trái cây có khả năng lên men thì trong hơi thở cũng có nồng độ cồn. Đại biểu cho rằng, Luật cần điều chỉnh để không cản trở các hoạt động bình thường của xã hội, từ văn hóa ứng xử đến phát triển kinh tế - xã hội.
Do nội dung này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu đề nghị nên xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì chỉ ra trên thế giới chỉ có 23 quốc gia (trong đó có Việt Nam) quy định nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0 khi tham gia giao thông và phần lớn các quốc gia cấm nồng độ cồn là quốc gia Hồi giáo. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nên cho phép ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với người đi xe gắn máy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!