Theo số liệu mới cập nhật của Bộ Công an, hiện có 228.215 người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, người được ghi nhận và quản lý sau cai nghiện. Tỉ lệ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, hơn một nửa trong số này có độ tuổi từ 18 cho đến trên 30 tuổi. Đại đa số đang trong độ tuổi lao động, hơn một nửa trong số này không có việc làm hoặc có việc làm nhưng lại không ổn định.
Tỉ lệ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa
Nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy gây thiệt hại kinh tế. Thiệt hại trực tiếp từ việc người sử dụng ma túy ước tính trên 150 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Lo ngại hơn cả là hơn 95.000 người sử dụng ma túy đang ở ngoài cộng đồng được xác định là nguồn cầu tiêu thụ ma túy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn của các cộng đồng dân cư. Trong khi đó, việc cai nghiện ma túy là không hề đơn giản, kể cả tại cơ sở cai nghiện hay cai nghiện tại cộng đồng. Ma túy hiện nay trở thành một trong những nguy cơ đe dọa đến vấn đề an ninh quốc gia. Nổi lên là nguy cơ các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn mua chuộc, kích động số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng phạm tội về ma túy để tham gia thực hiện các hoạt động như khủng bố, phá hoại, thậm chí là bạo loạn, phá rối an ninh ở trong nước.
"Theo thống kê trên toàn quốc, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã có các điểm tư vấn về cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, các điểm tư vấn này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo quy định của pháp luật", ông Vũ Văn Úy, Phó trưởng phòng Chính sách cai nghiện ma túy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết.
Ông Vũ Văn Úy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chia sẻ về công tác cai nghiện ma túy ở nước ta hiện nay
Cả nước hiện có hơn 7.700 đơn vị đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy, trong đó tuyến tỉnh có 166 cơ sở, tuyến huyện có 814 cơ sở và tuyến xã có 6.700 đơn vị. Ông Vũ Văn Úy cho rằng, so với hơn 10.000 xã, phường trên toàn quốc, số lượng cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy còn hạn chế và chưa đáp ứng đầy đủ. Hiện nay, công tác xác định tình trạng nghiện để đưa người đi cai nghiện tại cộng đồng chủ yếu được thực hiện ở cấp xã và cơ sở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký cai nghiện
Các cơ sở cai nghiện tập trung đang gặp tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất và thường xuyên bị quá tải. Tháng 11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng.
Trung tâm cai nghiện tỉnh Lạng Sơn có công suất thiết kế chỉ dùng cho 400 người nhưng thường xuyên có 700 người đến cai
"Công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng vẫn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất là vấn đề nguồn lực. Kinh phí cho công tác cai nghiện chủ yếu do ngân sách địa phương đảm bảo. Thứ hai, chính sách hiện tại chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, người nghiện ma túy, đa phần thuộc nhóm thu nhập thấp, không có khả năng chi trả cho các dịch vụ cai nghiện tư nhân", ông Vũ Văn Úy cho biết thêm.
Việc hoàn thành cai nghiện tại các cơ sở tập trung hay tại cộng đồng đã rất gian nan, nhưng nỗ lực tìm việc làm của những người đã cai nghiện cũng gian nan không kém. Rõ ràng, bất cứ ai cũng cần có việc làm, nhất là đối với những người đã cai nghiện, vì chỉ khi có việc làm họ mới có thể sống tự lập, hòa nhập cộng đồng và từ đó tránh được nguy cơ tái nghiện. Thế nhưng, con đường tìm kiếm và xin việc của những người từng cai nghiện ma túy vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
"Khó khăn lớn nhất trong việc hỗ trợ việc làm cho người sau khi cai nghiện là thiếu hỗ trợ vốn vay để tạo sinh kế, giúp họ có việc làm và ổn định cuộc sống. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29 vào năm 2014, cho phép vay vốn đối với người nghiện ma túy sau cai. Một số tỉnh cũng đã sử dụng ngân sách địa phương để cung cấp vốn vay cho những người này, giúp họ tạo sinh kế và tạo thu nhập cho gia đình", ông Vũ Văn Úy nhận định.
Hàng nghìn người nghiện sau khi cai nghiện đều đối mặt với khó khăn lớn nhất là tìm việc để bắt đầu cuộc sống mới
Ông Vũ Văn Úy cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy sắp tới, đang được Quốc hội xem xét thông qua, cũng sẽ có mô hình hỗ trợ ban đầu cho người sau cai nghiện và người nghiện trong cộng đồng. Các hình thức hỗ trợ bao gồm con giống, phương tiện và dụng cụ sản xuất, giúp họ tự tin tham gia lao động sản xuất và có việc làm ổn định.
"Việc đào tạo nghề cho người nghiện ma túy hiện nay đã được quy định trong chính sách, các cơ sở cai nghiện ma túy có nhiệm vụ tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho người cai nghiện dựa trên nhu cầu của họ. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở vật chất và điều kiện để đào tạo nghề trong các trung tâm cai nghiện vẫn gặp khó khăn. Thêm vào đó, các đơn vị chuyên môn đào tạo nghề trên địa bàn cũng không mặn mà trong việc đào tạo cho người nghiện", ông Vũ Văn Úy chia sẻ.
Trong thời gian nghiện, người nghiện không có cơ hội học nghề hoặc rèn luyện khả năng làm việc, khiến họ gần như không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động
Cũng theo ông Vũ Văn Úy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Chính phủ đã ưu tiên cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện một dự án có sáu nội dung chính. Nội dung đầu tiên là nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở cai nghiện, trước mắt sẽ giải quyết vấn đề các tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện như Hậu Giang, Đắk Nông và Kon Tum. Thứ hai, chương trình sẽ hỗ trợ các tỉnh chưa cân đối được ngân sách, đặc biệt là những tỉnh phải di dời cơ sở cai nghiện theo quy hoạch. Thứ ba, chương trình cũng hướng tới hỗ trợ các tỉnh đang quá tải hoặc chưa có cơ sở cai nghiện đủ tiêu chuẩn, bao gồm phân khu cho cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và cai nghiện cho người từ 12 – 18 tuổi. Ngoài ra, đối với các tỉnh tự cân đối ngân sách, chương trình sẽ khuyến khích họ sử dụng ngân sách địa phương để nâng cấp và sửa chữa các cơ sở cai nghiện, sao cho đáp ứng các quy định trong Nghị định 116 và Luật Phòng, chống ma túy. Hiện nay, chương trình dự kiến dành khoảng 8.000 tỷ đồng để nâng cấp các cơ sở cai nghiện này.
Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết vào tuần sau. Chương trình này được kỳ vọng sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế và giải quyết được các vấn đề mang tính cấp bách, đồng thời cũng tăng cường đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực, giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác cai nghiện ma túy nếu chỉ phó mặc cho các cơ sở, các trung tâm cai nghiện, kết quả không cao, ngoài quyết tâm của chính người nghiện còn cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình và cộng đồng để họ có một việc làm ổn định, có thể xa rời được ma túy và hòa nhập với xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!