Đây là nỗ lực lớn nhằm cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Hiện thành phố đã giao các ngành chức năng khẩn trương nghiên cứu, xem xét để đề xuất các phương án thực hiện, trong đó có nhiều phương án đề xuất lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch. Đây cũng là phương án được nhiều nhà khoa học quan tâm, đóng góp ý kiến.
Lấy nước từ sông Hồng để bổ cập, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch là thuận thiên. Đây là ý kiến của các nhà khoa học Hội cấp thoát nước Việt Nam, nhưng phải có phương án về kinh tế kỹ thuật để cân đối nguồn nước các sông, tránh xảy ra tình huống không đủ nước tạo dòng chảy.
"Cần có phương án lấy nước từ sông Hồng đảm bảo khi bổ cập vào sông thì giảm bớt hàm lượng cặn cũng như các vấn đề về ô nhiễm để đủ khả năng pha loãng và làm sạch các con sông. Hà Nội đưa ra các phương án: 70 giếng ở sông Hồng, hành lang thu nước, hồ lắng… Theo quan điểm cá nhân của tôi, phương án hồ lắng và hàng lang thu nước sẽ kinh tế hơn", TS. Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch thường trực Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho biết.
Nhiều phương án đề xuất lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch. (Ảnh: HNM)
Giáo sư Hoàng Xuân Cơ (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) cho rằng, trong trường hợp phải lựa chọn, sẽ không bao giờ đưa ra 1 phương án rồi chọn luôn, phải có dự án thay thế, mà trong khoa học, dự án thay thế lại cực kỳ quan trọng vì phải cân nhắc ưu và nhược điểm của mỗi dự án để lựa chọn phương án tốt nhất.
Còn các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển lại tiếp cận theo quan điểm tăng khả năng chịu tải, tự làm sạch dòng sông để hồi phục dòng chảy.
"Chúng tôi đề xuất phương án phục hồi lòng dẫn và kết nối sông Tô Lịch - hồ Tây và sông Hồng. Chúng tôi sử dụng phương pháp truyền dẫn nước bằng kênh ngầm chảy hở. Khi sông Tô lịch có lưu lượng lớn đủ tự chảy sẽ có khả năng tự làm sạch", GS. Lê Văn Nghị (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho hay.
Dù phương án nào được lựa chọn, các nhà khoa học đều đồng thuận rằng phương án phải được xem xét, tính toán kỹ càng cả về kinh tế và kỹ thuật, bảo đảm bổ cập nước cho sông về mặt lưu lượng, đặc biệt cân đối được nguồn nước trong mùa khô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!