Sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi tách béo, rồi sữa tươi nguyên chất và còn rất nhiều tên gọi nữa. Đang có quá nhiều tên gọi khác nhau cho cùng một loại sữa. Điều này khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt và hiểu đúng bản chất của các loại sữa tươi đang được bán trên thị trường. Trong khi đó, lại có nhiều loại sữa dạng lỏng được nhập khẩu không nằm trong bất cứ một loại quy chuẩn nào khiến chỉ việc áp thuế cũng gặp không ít khó khăn.
Hàng chục, thậm chí hàng trăm loại sữa dạng lỏng đang được ghi với cái tên sữa tươi. Tuy nhiên, có loại ghi 100% sữa tươi hay sữa tươi nguyên chất và có loại ghi sữa tươi nhưng lại có vị vani, socola, dâu. Điều này, khiến người tiêu dùng khó phân biệt.
Liên quan đến tên sản phẩm là thanh trùng hay tiệt trùng, đại diện Bộ Y tế cho biết nó chỉ là công nghệ. Tuy nhiên, đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng lại cho rằng điều này cũng cần phải làm rõ để người tiêu dùng hiểu bản chất của sữa.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia được ban hành từ năm 2010, nhóm sữa tươi được chia làm 6 loại: sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Theo quy định này, sữa tươi nguyên chất phải làm từ 100% sữa tươi nguyên liệu.
Hiện sữa tươi nguyên liệu được sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu sữa bột. Do thiếu nguyên liệu nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột để hoàn nguyên và đánh tráo khái niệm, bán nhập nhèm dưới dạng sữa tươi.
Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng quy chuẩn quốc gia về sữa tươi nguyên liệu nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy chuẩn này cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.